Ngân hàng trung ương là của ai?
Trường phái thứ nhất – tạm gọi là Trường phái Ngân hàng – coi ngân hàng trung ương (NHTW) là “ngân hàng của các ngân hàng”. Các khách hàng của NHTW là bản thân các ngân hàng – và NHTW là nơi các ngân hàng có thể vay tiền khi họ cần. Các chức năng khác của NHTW bao gồm hỗ trợ hệ thống ngân hàng nhằm làm cho các ngân hàng có thể đạt được mức lợi nhuận hợp lý. Quan trọng hơn cả là NHTW phải đảm bảo đươc lượng cung tiền đủ lớn để tình trạng mất thanh khoản đơn thuần không khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản.
Trường phái thứ 2 được gọi là Trường phái Kinh tế vĩ mô cho rằng các NHTW là “quản gia” của toàn bộ nền kinh tế. Nhiệm vụ chính của NHTW là tuân thủ và hỗ trợ thực thi Quy luật Say trên thực tế (quy luật mang tên nhà kinh tế Pháp Jean-Baptiste Say) mà nội dung chính là sản lượng được cân bằng bởi cầu. Nói cách khác, trách nhiệm chính của 1 NHTW không phải là duy trì sức khỏe các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà là duy trì tình trạng hoạt động lành mạnh của toàn bộ nền kinh tế.
Tại Mỹ, kể từ ngày 15/9/2008, ngày mà ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, cho đến khi Bộ trưởng Tài chính khi đó là Timothy Geithner thông báo vào tháng 5/2009 rằng theo nhận định của ông thì các ngân hàng lớn đã tăng mức an toàn vốn hoặc có thể tăng mức an toàn vốn, 2 trường phái này có chung lợi ích và các kết luận. Đối với cả 2 trường phái, việc giảm tình trạng mất cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu bắt buộc phải duy trì hệ thống ngân hàng. Để duy trì được hệ thống ngân hàng cần phải tăng tổng cầu để làm tổng cầu tiến sát tới tổng cung. Tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế cũng đồng nghĩa với việc giải cứu ngân hàng và ngược lai, giải cứu ngân hàng cũng là kích thích kinh tế.
Tuy nhiên sau thời điểm đó, các lợi ích và kết luận của 2 trường phái này đã phân tách rõ rệt. Chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed ) nhằm giữ lãi suất siêu thấp trong thời gian dài đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn các thành tố của tổng cầu vốn nhạy cảm với lãi suất giảm xuống hơn mức tổng cung tiềm năng. Tuy nhiên đối với các ngân hàng đầu tư, ngân hàng ngầm và đặc biệt là các ngân hàng thương mại (cùng với mạng lưới các chi nhánh và máy ATM tốn kém), chính sách như vậy đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Chính sách mua số lượng lớn tài sản dài hạn được duy trì trong thời gian dài đã đóng vai trò then chốt trong việc khuyến khích khu vực tài chính vốn thận trọng kể từ sau khủng hoảng sử dụng khả năng chịu đựng rủi ro của mình vào mục đích đúng đắn: giảm bớt gánh nặng rủi ro đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên chính sách nới lỏng định lượng đã làm giảm khả năng – thậm chí là tước mất khả năng tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng như trước của các ngân hàng này.
Xét từ quan điểm cân bằng tổng cầu và tổng cung tiềm năng, NHTW có thể bắt đầu hành động bằng cách ra thông báo rằng: 5 năm kể từ sau khi khủng hoảng bắt đầu, khung lạm phát 0-2% tiềm ẩn nhiều rủi ro về thất nghiệp và tỷ lệ 2-4% được hoan nghênh hơn. Tuy nhiên, trong khi đối với các nhà kinh tế thuộc trường phái Kinh tế vĩ mô, việc đưa ra tuyên bố như vậy là điều hết sức hiển nhiên, nó có thể khiến cho các ngân hàng nắm giữ tài sản danh nghĩa hoặc trước giờ vẫn căn cứ trên các thuật ngữ danh nghĩa “ăn không ngon ngủ không yên”.
Dưới góc độ lợi ích của công chúng Mỹ và của cả thế giới, việc Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm người kế nhiệm Chủ tịch Ben Bernanke vào năm 2014 đóng vai trò cực kỳ quan trọng và Chủ tịch tiếp theo của Fed nhất định phải thuộc trường phái Kinh tế vĩ mô. Thế giới không cần một Chủ tịch Fed theo trường phái Ngân hàng nào nữa.