Khoảng 1500 tỷ euro là khoản tiền theo các chuyên gia của Ngân hàng Société Générale ước tính Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải dùng để bơm vào hệ thống tài chính khu vực nếu rủi ro giảm phát trở thành hiện thực.
Và điều đó có thể được thực hiện thông qua việc mua lại trái phiếu như những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện từ năm 2008 đến nay. Xác suất để kịch bản này xảy ra theo các nhà phân tích của Société Générale không phải là tỷ lệ nhỏ, ước khoảng 15%.
Dự cảm tháng 3
Cuối tuần trước, khi hội nghị của nhóm G20 đang diễn ra tại Sydney (Australia), thêm một lần nữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại lên tiếng nhắc nhở: "Giảm phát là rủi ro chính đối với khu vực đồng tiền chung euro (...) Đặc biệt là khi các quốc gia trong khu vực vẫn đang giữ mức nợ cũng như tỷ lệ thất nghiệp còn quá cao".
Thời điểm IMF đưa ra cảnh báo là khi Eurozone mới có số liệu ước tính đầu tiên cho tỷ lệ lạm phát tháng 1 (tăng 0,7% so với tháng trước đó theo số liệu năm). Số liệu công bố trong tuần này (ngày 24/2) cho thấy, mặc dù ước tính lần hai cao hơn 0,1% nhưng tỷ lệ lạm phát 0,8% trong tháng 1 vẫn ở mức quá thấp, bởi lạm phát từng đứng ở 2% trong cùng kì năm ngoái.
Bất chấp điều đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi vẫn trả lời Reuters rằng: "Rõ ràng, chúng tôi không đang trong tình trạng giảm phát" và ECB "sẵn sàng hành động" ngay trong tháng 3 này nếu cần thiết.
Gần đây nhất, trong ngày hôm qua 28/2 dữ liệu về chỉ số lạm phát tháng 2 cũng được công bố, đồng thời ghi nhận mức tăng 0,8% so với tháng trước theo số liệu năm.
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần vừa qua, Eurozone đã đón nhận hai số liệu lạm phát liên tiếp. Với những người lạc quan, họ có thể xem con số 0,8% là tỷ lệ ổn định, nhưng vấn đề là trong khi tăng trưởng mới phục hồi trong 3 quý gần đây nhưng Eurozone đã có 13 tháng liên tiếp có tỷ lệ lạm phát nằm dưới ngưỡng mục tiêu. Hơn nữa, tháng 2 đã là tháng thứ 5 liên tiếp tỷ lệ lạm phát tại khu vực Eurozone không thể vượt qua 1%, tức chưa bằng một nửa so với mục tiêu 2% trong trung hạn do ECB đề ra.
Một vài người đảm bảo rằng, ECB sẽ cung cấp một khoản vay mới cho các ngân hàng với hy vọng dòng vốn sẽ chảy vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số khác lại tin rằng Ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ tại Eurozone sẽ lựa chọn các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính. Trong khi một số thông tin xác nhận ECB sẽ mua nợ của các chính phủ trong khu vực, nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng ECB không có quyền làm vậy.
Đánh đổi 1500 tỷ euro hay 16% GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu
Trên thực tế, câu trả lời của chủ tịch Draghi sẽ phụ thuộc vào việc kịch bản nào trong số 3 kịch bản sau đây sẽ thống trị những tháng tới.
Kịch bản thứ nhất, theo kì vọng của ECB: tình hình kinh tế của Eurozone sẽ dần dần trở lại bình thường, với sự phục hồi đều đặn của tăng trưởng GDP và tăng lên trong giá cả.
Kịch bản thứ hai là tỷ lệ lạm phát sẽ giảm thậm chí xuống thấp hơn nhiều nhưng chưa hình thành giảm phát. Tình huống này sẽ thúc đẩy ECB quyết định phải cắt giảm lãi suất cơ bản từ 0,25% như hiện nay xuống 0,10%.
Kịch bản thứ ba là giảm phát hoàn toàn sẽ xảy ra, khi đó việc giá giảm dẫn đến sự trì hoãn chi tiêu của các hộ gia đình, giảm đầu tư và tăng trưởng lao dốc.
Ví dụ của nền kinh tế Nhật Bản cho thấy, chỉ có một cách duy nhất để thoát ra khỏi tình huống xoáy xuống khi giảm phát thực sự xảy ra, đó là một chính sách tiền tệ được thiết lập bằng quá trình mua khổi lượng lớn trái phiếu chính phủ. Theo các chuyên gia kinh tế tại Société Générale, để tiến hành chương trình thu mua như vậy một cách có hiệu quả, số tiền cần chi ra phải lên đến 1500 tỷ euro, tương đương 16% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của khu vực đồng tiền chung euro. So sánh với việc làm tương tự tại Mỹ, Fed đã thu mua lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp trị giá hơn 3000 tỷ USD (hay 2189 tỷ euro). Con số này cũng tương đương 17,8% GDP của nền kinh tế Mỹ.
Bất chấp biện pháp có "tốn kém" đến đâu, ECB vẫn buộc phải hành động và sẽ không ngần ngại rút ra một công cụ mà trong lý thuyết không phù hợp với nhiệm vụ của mình để can thiệp vào thị trường trong trường hợp lâm vào vòng xoáy của giảm phát. Điều đó có thực sự xảy ra không là điều chưa thể khẳng định ngay lúc này. Nhưng có một điều chắc chắn: một thứ "vũ khí" như vậy không phải là không có tác dụng phụ. Và những người Đức - vốn đang lo ngại rằng mức lãi suất thấp liên tục thiết lập có khả năng thúc đẩy sự hình thành bong bóng bất động sản tại Frankfurt và Berlin, đương nhiên có lý do chính đáng để phản đối.
Tâm Vũ
Nguồn Dân Việt