Ngân hàng Trung Quốc bị tố rửa tiền
Trong chương trình tin buổi sáng ngày 9/7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát phóng sự dài 20 phút cho rằng các chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (BOC) tại nhiều thành phố đã giúp nhiều khách hàng chuyển một lượng lớn tiền mặt ra nước ngoài. Thậm chí trong một số trường hợp BOC còn làm việc với cơ quan xuất-nhập cảnh để giúp khách hàng che giấu nguồn gốc số tiền của họ.
Đổi lại, BOC sẽ nhận được một khoản hoa hồng hậu hĩnh, theo CCTV.
Phóng sự của CCTV nêu “Thật choáng váng khi một ngân hàng nhà nước lớn như BOC lại dính líu đến hoạt động mờ ám như thế”.
BOC đã phản ứng lại và cho biết phóng sự của CCTV hoàn toàn “sai sự thật” và đang có cách hiểu nhầm về hoạt động chuyển tiền qua biên giới của ngân hàng này. BOC cho biết, khi thực hiện nghiệp vụ này, ngân hàng luôn tuân thủ các quy định, kể cả những quy định về cấm rửa tiền.
CCTV, một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc, thường xuyên có các phóng sự chỉ trích các công ty trong và ngoài nước, nhưng hiếm khi chĩa mũi dùi vào các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. BOC là một trong 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc và thường hoạt động theo mục tiêu chính sách của chính phủ.
Ding Xueliang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết “Vụ này khá bất thường. Việc các cơ quan nhà nước công khai chỉ trích nhau là rất hiếm”.
Lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành chiến dịch bài trừ tham nhũng, nhằm vào các quan chức bị nghi ngờ chuyển tài sản có được do hối lộ hoặc các phương thức phi pháp khác ra nước ngoài.
Cuối tuần trước, ông Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết định cao nhất, đã kêu gọi chính phủ nước này giải quyết vấn đề được gọi là “quan chức đơn độc” (naked official) - những quan chức mà gia đình họ đã định cư ở nước ngoài.
Trung Quốc hiện đang hạn chế lượng tiền cá nhà và tổ chức được phép chuyển ra nước ngoài. Theo quy định mỗi cá nhân chỉ được phép đổi hoặc chuyển ra nước ngoài 50.000 USD/năm. Các doanh nghiệp chỉ được phép đổi đồng nhân dân tệ sang đồng ngoại tệ theo mục đích đã được phê duyệt như thanh toán cho hàng nhập khẩu hoặc đầu tư nước ngoài đã được cấp phép.
Các nhà phân tích và kinh tế học cũng thừa nhận hệ thống kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc có nhiều kẽ hở và các quy định tài chính dễ dàng bị “lách”.
Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và bất ổn chính trị, người giàu Trung Quốc đang tìm cách chuyển ra sống ở nước ngoài và đáp ứng các quy định về nhập cư bằng cách đầu tư các khoản tiền lớn vào các nước như Mỹ, Canada và Australia.
Phóng sự của CCTV nhằm vào chương trình của BOC bắt đầu từ năm 2011 gọi là Youhui Tong – giúp đỡ khách hàng chuyển đồng nhân dân tệ ra nước ngoài. Theo CCTV, BOC đã sử dụng chương trình này để chuyển một lượng nhân dân tệ khổng lồ ra nước ngoài và sau đó đổi thành ngoại tệ, do vậy, cho phép khách hàng “lách” được quy định về ngoại hối.
Tuy nhiên, BOC cho rằng hoạt động của Youhui Tong hoàn toàn tuân thủ luật pháp và Trung Quốc hiện có quy định buộc ngân hàng phải kiểm tra nguồn gốc và mục đích các khoản tiền của khách hàng. Youhui Tong chỉ dành cho khách hàng muốn định cư ở nước ngoài thông qua việc đầu tư hoặc mua tài sản.
Trong nhiều năm, nền kinh tế Trung Quốc đã thu được dòng ngoại tệ lớn nhờ xuất khẩu và từ các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng USD này được đổi sang nhân dân tệ tại ngân hàng trung ương, giúp làm tăng lượng nhân dân tệ vào nền kinh tế. Việc này giúp các ngân hàng cho vay dễ dàng hơn và các công ty tăng trưởng mạnh hơn, nhưng cũng gây ra lạm phát và góp phần gây ra bong bóng bất động sản và chứng khoán.
Khi dòng ngoại tệ rời khỏi Trung Quốc, quy trình trên đảo ngược và lượng tiền sẵn có phục vụ tăng trưởng trở nên khan hiếm hơn. Những tháng qua, các nhà quản lý Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường giám sát các luồng tiền bất hợp pháp.
Nguồn Theo DVO/WSJ