Ngân hàng toàn cầu thoái lui
Cách đây 18 năm, Sanford Weill tuyên bố buổi bình minh của một kỷ nguyên mới trong ngành ngân hàng. Ông Weill, khi đó là Tổng Giám đốc Travelers Group Inc., đã đồng ý sáp nhập với Citicorp của John Reed trong thương vụ trị giá 140 tỉ USD để thành lập nên tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới - Citigroup Inc. “Doanh nghiệp của chúng tôi sẽ được đa dạng hóa và hoạt động tại nhiều khu vực khác nhau. Nhờ đó, chúng tôi sẽ có thể chống chọi với những thời kỳ suy thoái phía trước”, ông Weill phát biểu vào tháng 4.1998.
Đến nay Citigroup vẫn còn tồn tại. Nhưng niềm tin vào mô hình mà ông Weill và ông Reed ca ngợi đang suy giảm mạnh. Sau gần 2 thập niên bành trướng thần tốc vào nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực, các ngân hàng toàn cầu đang bắt đầu rút lui. Đối với hầu hết các ngân hàng, việc nỗ lực trở thành một ngân hàng “tất cả trong một”, đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng trên khắp thế giới đã không còn là một chiến lược khả thi.
Một báo cáo của hãng McKinsey & Co. đối với 10 ngân hàng toàn cầu (thực hiện cho tờ Wall Street Journal) cho thấy những tổ chức cho vay này trung bình có mặt tại 65 quốc gia vào năm 2008. Nhưng đến năm ngoái, con số là 55 quốc gia. Nghiên cứu của McKinsey không bao gồm Citigroup, vốn đã công bố các kế hoạch thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại ít nhất 20 quốc gia trong những năm gần đây.
Tốc độ “lui quân” của các ngân hàng đã nhanh hơn trong năm nay. Barclays PLC cho biết sẽ bán phần lớn hoạt động kinh doanh tại châu Phi, trong khi HSBC Holdings PLC thì đang rút khỏi Brazil - 1 trong số 83 hoạt động trên thế giới mà ngân hàng này đã từ bỏ kể từ năm 2011.
Nhưng ông Weill, đã rời khỏi vị trí CEO vào năm 2003, thì vẫn thấy tính giá trị của việc trở thành một ngân hàng toàn cầu. “Nền kinh tế là một ngôi làng toàn cầu và chúng ta cần các định chế tài chính toàn cầu mang nó lại với nhau. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có một hệ thống viễn thông được đặt trong nước và không thể kết nối. Điều đó sẽ không tốt lắm đâu”, ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Quan điểm đó giờ không mấy được ủng hộ. Các chuyên gia phân tích đã kêu gọi J.P. Morgan Chase & Co. và Citigroup phải chia tách và “liệu ngân hàng có quá lớn” đang là đề tài thường được nhắc đến.
Dưới sức ép của các quy định ngày càng siết chặt hơn, các ngân hàng trong đó có Citigroup không chỉ phải thu hẹp các thị trường hoạt động, mà còn phải rời khỏi nhiều lĩnh vực đòi hỏi quá nhiều vốn hoặc gần như không tạo ra lợi nhuận, càng làm xói mòn niềm tin đối với mô hình mà ông Weill đã góp phần khởi xướng.
Tại châu Âu, các vị CEO mới nhậm chức ở Barclays, Credit Suisse Group AG và Deutsche Bank AG đang phải chỉnh đốn lại các kế hoạch tái cấu trúc sau khi bị một số nhà đầu tư cho rằng chúng chưa có đủ “triệt để” trong việc làm giảm quy mô ngân hàng.
Nỗ lực bành trướng của các ngân hàng toàn cầu ban đầu được thúc giục bởi các nhà đầu tư, do bị cuốn hút bởi mức lợi nhuận béo bở mà mô hình này mang lại. Các ngân hàng đã phát triển nhiều hoạt động khác nhau miễn là chúng có thể tiết kiệm chi phí bằng cách cung cấp đa dạng các dịch vụ. Bằng cách đa dạng hóa, mô hình đã góp phần gia tăng tính an toàn (do “không bỏ tất cả trứng vào một rổ”) và tạo cảm giác rằng chỉ cần quy mô thôi cũng đủ tạo nên sự an toàn đó.
“Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã đặt dấu chấm hết cho lý thuyết này”, Fred Cannon, Giám đốc Nghiên cứu và trưởng chiến lược gia về cổ phiếu tại Keefe, Bruyette & Woods, một ngân hàng đầu tư chuyên về các doanh nghiệp tài chính, nhận xét.
Các nhà đầu tư giờ than phiền rằng họ không thể nào hiểu nổi các bảng cân đối kế toán mơ hồ, không rõ ràng. Những định chế tài chính đa quốc gia cũng bị các cơ quan quản lý trong ngành cho là thiếu tính an toàn và bị buộc phải tăng cường thêm vốn lên tới hàng tỉ USD. ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) tính trung bình trước thời điểm khủng hoảng là 14% nhưng giờ chỉ vào khoảng 7% ở các ngân hàng toàn cầu lớn.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại các nhà điều hành ngân hàng không thể kiểm soát nổi mạng lưới chân rết đang phủ khắp nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như các lĩnh vực kinh doanh.
George Mathewson, người đã giúp xây dựng Royal Bank of Scotland Group PLC (RBS) trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị tài sản, nằm trong số những người giờ cho rằng mô hình ngân hàng đầu tư toàn cầu đa dạng hóa nên được khai tử. “Tôi không tin vào mô hình ngân hàng đa năng, bởi các rủi ro văn hóa quá lớn”, ông nói.
Hai năm sau khi ông Mathewson rời khỏi vào năm 2006, RBS đã nhờ đến sự giải cứu của Chính phủ Anh. Đến nay RBS chủ yếu vẫn thuộc sở hữu nhà nước, nhưng giờ đang quay trở về Anh và rút lui khỏi mô hình ngân hàng đầu tư trên diện rộng.
Ông Mathewson tin rằng, giải pháp cho vấn đề này là tách bạch giữa hoạt động ngân hàng đầu tư, vốn có nhiều rủi ro hơn, với hoạt động ngân hàng bán lẻ. Ý tưởng này tương tự như ý tưởng đang được một số nhà phê bình Mỹ ủng hộ. Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders, chẳng hạn, ủng hộ kế hoạch hồi sinh đạo luật Glass-Stegall, nhằm tách hoạt động ngân hàng đầu tư ra khỏi các hoạt động cho vay tiêu dùng và thương mại.
Tuy nhiên, cũng có những người ra sức bảo vệ mô hình ngân hàng đa năng, tích cực nhất là James Dimon, CEO của J.P. Morgan. J.P. Morgan đã được lèo lái đi qua cuộc khủng hoảng tài chính tốt hơn hầu hết các đối thủ khác và kể từ đó đã tạo được mức sinh lời cao hơn phần lớn các ngân hàng khác. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về giá trị tài sản này vẫn tiếp tục hoạt động tại hơn 100 quốc gia.
“Lý do chúng tôi hoạt động ở những quốc gia này không phải chỉ vì chúng đại diện cho những thị trường mới, nơi chúng tôi bán sản phẩm của mình”, ông Dimon nói trong lá thư gửi cổ đông hằng năm hồi tháng 4 vừa qua. Ông lấy dẫn chứng về “hiệu ứng mạng lưới lớn” từ việc làm ăn kinh doanh với các khách hàng nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia mà hoạt động tại những nước đó.
Tính trung bình, theo ông Dimon, chỉ 40% hoạt động mà Ngân hàng tạo ra tại một nước là “nội địa”, phần còn lại đến từ hoạt động tư vấn, tài trợ vốn và các lĩnh vực khác mà có tính chất “xuyên biên giới”. Tuy nhiên, ông Dimon cũng thừa nhận J.P. Morgan đã từ bỏ làm ăn với nhiều khách hàng trên thế giới do các yêu cầu về chống rửa tiền. “Rủi ro pháp lý là rất lớn nếu chúng tôi sơ sót”, ông giải thích.
Đa dạng hóa doanh thu thực sự đã làm tăng được ROE của một ngân hàng, nhưng chỉ gia tăng được 1 điểm, theo một nghiên cứu năm 2013 do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế thực hiện. Lợi ích của việc đa dạng hóa đã giảm sút đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, theo nghiên cứu này.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, mức sinh lời tại những khu vực xa xôi trong đế chế rộng lớn của các ngân hàng là không mấy khả quan. Trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, hoạt động giữa các khu vực đã thúc đẩy chỉ 20-25% doanh số bán và doanh thu giao dịch trong 20 năm qua, theo báo cáo của Morgan Stanley và hãng tư vấn Oliver Wyman. Cũng theo báo cáo này, phần lớn doanh thu ngân hàng toàn cầu được tạo ra chỉ tại khoảng 5-10 thành phố lớn, chủ yếu từ một số các khách hàng quốc tế lớn.
Ông Weil cho biết ông không hề hối tiếc về việc xây dựng nên đế chế RBS khi dẫn chứng một thực tế rằng lợi nhuận của Ngân hàng sau sáp nhập đã tăng gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 1998-2003. Nhưng ông thừa nhận có thể có một giai đoạn mà mô hình không đứng vững được do “môi trường điều hành bất lợi”. Tại Washington, ông cho biết “môi trường không diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn”.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ