wsj.net

 
Đàm Hoa Thứ Tư | 20/09/2017 08:00

Ngân hàng toàn cầu: Kẻ co cụm, người bành trướng

Trong khi các ngân hàng Mỹ và châu Âu rút lui thì các ngân hàng ở những nơi khác lại tăng tốc và không ngừng bành trướng.

Jamie Dimon, ông chủ của JPMorgan Chase, gần đây cho biết trước hết, ông là một người Mỹ yêu nước, rồi sau đó mới là người đứng đầu một ngân hàng. Chiến lược của ông, mặc dù không hẳn tránh hoàn toàn các thị trường quốc tế, đã cho thấy quan điểm này, khi ông đã từ chối nhiều thương vụ thâu tóm nước ngoài lớn thời điểm trước và trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, Citi, từng là một ngân hàng toàn cầu hoạt động rất mạnh mẽ, đã từ bỏ nhiều công ty con ở nước ngoài. Ngân hàng này hiện có mảng bán lẻ hoạt động tại chỉ 19 quốc gia, giảm từ con số 50 của năm 2007. Trong thời gian tới, có thể Citi sẽ còn tiếp tục co cụm. Bank of America cũng từ lâu chọn con đường sống đúng với cái tên của mình, khi đã rút lui khỏi nhiều thị trường quốc tế, quay trở về Mỹ, đến nay gần như hoàn toàn là một ngân hàng nội địa.

Diễn biến tương tự cũng đang diễn ra ở Tây Âu. Làn sóng rút lui của các ngân hàng hàng đầu tại mỗi quốc gia đều phản ánh xu hướng mạnh mẽ này. Gần đây, hãng tư vấn McKinsey đã công bố những con số thống kê cho thấy bức tranh của ngành ngân hàng toàn cầu đã thay đổi sâu sắc trong suốt 10 năm qua.

Theo phân tích của McKinsey đối với các ngân hàng hàng đầu tại mỗi nước, các hợp đồng nước ngoài (như cho vay, bảo lãnh...) đã giảm 1/3 đối với các định chế tài chính của Anh và Thụy Sĩ và giảm phân nửa đối với những ngân hàng ở các nước châu Âu còn lại. Thậm chí khối lượng giao dịch ngoại hối, sau một thời gian dài bành trướng, đã và đang giảm xuống.

Xu hướng co cụm này đặc biệt rõ nét ở lĩnh vực ngân hàng đại lý, vốn được xem là thành tố quan trọng trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho các giao dịch quốc tế (ngân hàng đại lý là ngân hàng được ủy thác, được hiểu là ngân hàng hoạt động như một đại lý của ngân hàng khác ở những thị trường mà ngân hàng này không có văn phòng hoặc công ty hoặc một lý do nào đó không thể trực tiếp đứng ra giao dịch).

Mối quan hệ đại lý giữa các ngân hàng tại các nước khác nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các công ty đặt tại những địa điểm mà không có các ngân hàng toàn cầu tài trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Thế nhưng, số ngân hàng đại lý đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2011, theo hãng McKinsey.

Điều này không có gì lấy làm khó hiểu. Các mối quan hệ đại lý từng được xem là một cách để các ngân hàng giao dịch kinh doanh ở một quốc gia mà nó không biết rõ. Đây là điểm mấu chốt khiến ngân hàng dễ bị tổn thương: một ngân hàng có thể bị buộc trách nhiệm đối với bất kỳ giao dịch nào cho dù đó chỉ là một mắt xích trong một chuỗi dài. Chi phí gia tăng trong việc tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động rửa tiền, các lệnh trừng phạt kinh tế và tài trợ khủng bố đã khiến các ngân hàng buộc phải rút lui trên diện rộng.

Mặt khác, báo cáo của Ngân hàng Trung ương Anh và Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Mỹ cho thấy mối tương quan dài hạn giữa sự gia tăng các yêu cầu vốn với sự sụt giảm ở hoạt động cho vay xuyên biên giới. McKinsey lưu ý các quy định được thông qua nhằm đảm bảo tính thanh khoản, đặc biệt trong thời điểm xảy ra khủng hoảng, có thể dễ dàng thỏa mãn hơn nếu tiền ở gần quê nhà.

Trong khi các ngân hàng Mỹ và châu Âu rút lui thì các ngân hàng ở những nơi khác lại tăng tốc và không ngừng bành trướng. Các ngân hàng Canada, vốn đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính, hiện đã có phân nửa tài sản ở nước ngoài, tăng từ mức 38% cách đây 10 năm. Các ngân hàng Trung Quốc 1 thập niên trước không có bao nhiêu tài sản ở nước ngoài thì hiện nay có hơn 1.000 tỉ USD.

Ngan hang toan cau: Ke co cum, nguoi banh truong

Hoạt động cho vay ra nước ngoài của các ngân hàng Trung Quốc rất sôi nổi trong thời gian gần đây, đặc biệt dưới sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của chính phủ nước này. Năm ngoái, lần đầu tiên 3 trong số 4 tổ chức cho vay lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo mức tăng cao hơn trong hoạt động cho vay nước ngoài so với cho vay doanh nghiệp nội địa. Không chỉ các ngân hàng Trung Quốc, những định chế tài chính ở Nhật, Ấn Độ và Nga cũng đang bành trướng ra quốc tế với tốc độ mạnh mẽ.

Sự chuyển dịch trong bản đồ địa lý ngành ngân hàng toàn cầu có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, xu hướng có thể thay đổi trước những yếu tố tác động. Chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn, gần đây đã phát đi dấu hiệu quan ngại đối với một số thương vụ thâu tóm nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Và liệu các ngân hàng Phương Tây có trở mình sau thái độ trầm lặng gần đây cũng còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý điều hành.

Chẳng hạn, đã có cuộc tranh luận trong Chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề ngân hàng đại lý. Bộ Ngoại giao Mỹ muốn các ngân hàng Mỹ đưa các nước khác, đặc biệt là những nước nghèo, vào trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng Bộ Tài chính thì lại tỏ thái độ thận trọng hơn. Quyết sách và chiến lược của các nhà lãnh đạo từng quốc gia chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến bức tranh ngân hàng toàn cầu trong những năm tới.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist/The Australian