Vaccine COVID-19 được Mỹ tài trợ qua COVAX tới sân bay Bolivia. Ảnh: AFP.

 
Minh Duy Thứ Ba | 27/07/2021 10:56

Ngân hàng Thế giới tài trợ mua vaccine cho các nước nghèo

Cơ chế mới sẽ giảm thiểu rủi ro và sự không chắc chắn về nhu cầu và khả năng tài chính của các quốc gia.

Theo The Guardian, COVAX và Ngân hàng Thế giới sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước đang phát triển thông qua một cơ chế tài chính mới, dựa trên thỏa thuận chia sẻ chi phí AMC mới được thiết kế của Gavi. Điều này cho phép các quốc gia AMC mua thêm vaccine vượt quá số lượng trợ cấp đã nhận, thông qua Chương trình COVAX.

Sử dụng tiền từ Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khác, COVAX sẽ đặt hàng vaccine từ các nhà sản xuất dựa trên tổng cầu của các nước.

Cơ chế tài trợ mới của Ngân hàng Thế giới được xây dựng dựa trên thỏa thuận chia sẻ chi phí của COVAX hiện có, nhằm cung cấp thêm 430 triệu liều vaccine hoặc đủ liều để tiêm chủng đầy đủ cho 250 triệu người tại 92 nước có thu nhập thấp và trung bình từ cuối năm 2021 tới giữa năm 2022.

 

Thông báo mới được đưa ra khi thế giới đã ghi nhận 195.283.439 ca nhiễm nCoV và 4.181.867 ca tử vong, tăng lần lượt 406.725 và 6.736, trong khi 177.088.164 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 35.256.093 ca nhiễm và 626.919 ca tử vong do nCoV, tăng 23.181 ca nhiễm và 67 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Hôm 26.7, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ giữ lệnh cấm đi lại đối với Vương quốc Anh và khu vực Schengen do lo ngại biến thể Delta. Lệnh cấm này vốn đã được cựu tổng thống Donald Trump đưa ra trong giai đoạn đầu dịch hồi tháng 3 năm ngoái.

Cùng ngày, California và thành phố New York thông báo sẽ yêu cầu tất cả nhân viên chính phủ tiêm vaccine hoặc phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nước này đã tiêm chủng hơn 342 triệu liều vaccine COVID-19 kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Trong gần 333 triệu dân, gần 189 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi, trong đó hơn 163 triệu đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Tại châu Âu, ngày càng nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu siết hạn chế với người chưa tiêm vaccine COVID-19. Ireland và Italy là 2 nước mới nhất cùng với Pháp yêu cầu chứng nhận vaccine đối với người muốn tới quán bar và nhà hàng.

Tại Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới với 5.999.244 ca nhiễm và 111.667 ca tử vong, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 26.7 cho biết 40 triệu người, gần 60% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Riêng trong tuần qua, Pháp đã tiêm chủng 4 triệu liều vaccine.

Cùng ngày 26.7, Anh ghi nhận 24.950 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong 3 tuần qua và 14 ca tử vong. Số ca nhiễm hàng ngày ở Anh đã giảm ngày thứ 6 liên tiếp sau khi dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế COVID-19 hôm 19.7. Số ca trung bình 7 ngày qua cũng giảm 21,5% so với tuần trước đó. Anh, vùng dịch thứ 7 thế giới, đã báo cáo 5.722.298 người nhiễm và 129.172 người không qua khỏi kể từ khi bùng dịch.

Tại châu Á, ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo, Nhật Bản ngày 26.7 thông báo thêm 16 ca nhiễm nCoV mới. Ít nhất 153 người liên quan tới sự kiện thể thao này, gồm 19 vận động viên, có kết quả dương tính với virus. Số ca nhiễm nCoV trung bình ở Nhật đã tăng 105% trong 2 tuần qua.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan báo cáo số ca COVID-19 kỷ lục vào ngày 26.7, trong khi Malaysia vượt ngưỡng một triệu ca nhiễm do biến thể Delta hoành hành. Thái Lan ghi nhận ca COVID-19 mới kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp, với 15.376 ca nhiễm và 87 ca tử vong. Chính phủ nước này hiện đối mặt với nhiều chỉ trích về tốc độ tiêm chủng chậm chạp. Thái Lan mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 5,6% dân số, trong khi 18,94% đã tiêm một liều.

Tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã tăng cường biện pháp hạn chế COVID-19 ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao, đình chỉ hầu hết chuyến bay nội địa và mở rộng khu vực giới nghiêm. Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết đợt bùng phát mới dự kiến làm giảm khoảng 2% GDP năm nay.

Malaysia, một trong những quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, đã ghi nhận 1.027.954 ca nhiễm và 8.201 ca tử vong, tăng lần lượt 14.516 và 207 trường hợp trong 24 giờ qua.

Giống nhiều nước khác tại khu vực có hơn 650 triệu dân, bệnh viện và nhân viên y tế Malaysia đang phải chống đỡ đợt bùng phát mạnh trong cảnh thiếu giường bệnh, máy thở và oxy y tế.

Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng vaccine của Malaysia đã đi trước nhiều nước láng giềng, với khoảng 16,9% trong số 32 triệu dân được tiêm chủng đầu đủ.

Một nhân viên tang lễ đeo thiết bị bảo hộ cá nhân đặt lễ vật lên quan tài của một nạn nhân COVID-19 tại Lò thiêu Bebalang ở Bangli Regency, Bali, Indonesia vào ngày 25.7.2021. Ảnh: The Guardian.
Một nhân viên tang lễ đeo thiết bị bảo hộ cá nhân đặt lễ vật lên quan tài của một nạn nhân COVID-19 tại Lò thiêu Bebalang ở Bangli Regency, Bali, Indonesia vào ngày 25.7.2021. Ảnh: The Guardian.

Trong khi đó, Indonesia, vùng dịch lớn nhất khu vực với 3.194.733 ca nhiễm và 84.766 ca tử vong, cho biết sẽ nới lỏng hạn chế COVID-19 bất chấp những cảnh báo về nguy cơ đợt bùng phát mới. Quốc gia này đã báo cáo 28.228 người nhiễm và 1.487 người chết trong 24 giờ qua.

Có thể bạn quan tâm:

80% người đã tiêm vaccine ở Israel không lây virus ra cộng đồng