Thứ Bảy | 19/04/2014 10:22

Ngân hàng tháo chạy khỏi các thương vụ cấp vốn cho Nga

Ngân hàng Nhật Bản dẫn đầu làn sóng rút khỏi các thương vụ làm ăn với Nga, hoãn cấp vốn do lo ngại phương Tây sẽ áp thêm trừng phạt Nga.
Động thái này cho thấy các ngân hàng toàn cầu không muốn cấp các khoản vay hay tài trợ cho các thương vụ với khách hàng Nga trong bối cảnh căng thẳng Nga, phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), hai ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã rút khỏi các thương vụ với Nga trong những tuần gần đây, Financial Times cho hay. “Doanh nghiệp Nhật Bản thận trọng hơn bất cứ nước nào”, một nhân viên cấp cao tại ngân hàng Nga cho biết.

SMBC vào phút cuối đã rút khỏi thương vụ tài trợ cho Metalloinvest, tập đoàn kinh doanh kim loại của tỷ phú Alisher Usmanov – người giàu nhất nước Nga. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nga chấp nhận sáp nhập Crimea hồi tháng trước. Ngân hàng này cũng hoãn thỏa thuận cấp tín dụng cho Gunvor – một công ty dầu của Nga sau khi Mỹ trừng phạt nhà đồng sáng lập Gennady Timchenko.

BTMU cũng quyết định không tham gia vào thương vụ cấp vốn cho Tenex, công ty xuất khẩu uranium của Nga, giới thạo tin cho biết. Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn không rút hẳn khỏi Nga, vẫn cố để ngỏ cánh cửa với Matxcơva.

Một quan chức tại ngân hàng Nhật Bản cho biết, tâm lý thận trọng không phải là do yêu cầu từ phía chính phủ mà chủ yếu do lo ngại mâu thuẫn chính trị xung quanh vấn đề Ukraine. “Họ không muốn bị trừng phạt chỉ vì làm sai điều gì đó”, vị quan chức này nói.

Một nhân viên tại ngân hàng quốc doanh Nga cho biết các ngân hàng của Mỹ cũng rút khỏi thương vụ làm ăn mới ở Nga. “Thị phần của chúng tôi đã tăng đáng kể, chưa bao giờ chúng tôi bận rộn thế này”, vị quan chức cho biết.

Các ngân hàng phương tây cũng ngày càng thận trọng hơn khi chấp thuận cấp khoản vay mới hay tài trợ cho các thương vụ với khách Nga mặc dù nhiều ngân hàng vẫn tuyên bố sẽ không bỏ các mối quan hệ hiện có ở thị trường Nga.

Sự rút này cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây đang vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng cá nhân, tác động đến cả ngành kinh doanh lớn, và thể hiện sự lo ngại của các ngân hàng ngoại ở Nga.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu và cổ phiếu Nga. Theo Dealogic, tổng số trái phiếu được phát hành trên cả hai thị trường nội địa và quốc tế đã giảm xuống 9,1 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Đến nay, chỉ có công ty Gazprom và Sberbank thực hiện hai đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá 1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 9 đợt phát hành huy động được 13,1 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2013.

Mỹ và Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch trừng phạt lần hai đối với Nga nếu thỏa thuận 4 bên giữa Ng, Mỹ, châu Âu và Ukraine đổ vỡ nhằm giảm căng thẳng ở miền đông Ukraine. Thực tế, các bên đã đạt được thỏa thuận nhưng dường như không có nhiều tác dụng, các lực lượng vũ trang thân Nga vẫn không chịu giao nộp vũ khí và không rút khỏi các tòa nhà chính phủ mà họ đã chiếm đóng.

Nguồn Gafin/FT/DVO


Sự kiện