Ngân hàng riêng của các nước mới nổi sắp hoạt động
Nhóm nước này còn dự định lập một quỹ hỗ trợ khẩn cấp trị giá 100 tỷ USD để đề phòng khủng hoảng tài chính. Trong đó, Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD, Brazil, Nga và Ấn Độ góp mỗi nước 18 tỷ USD và Nam Phi 5 tỷ USD.
Nhà băng mới sẽ là cơ quan đầu tiên được thành lập bởi các nước BRICS. Dù quy mô và tầm quan trọng chưa thể so sánh với Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, việc này cũng sẽ nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách Mỹ cải tổ các tổ chức này để tập trung hơn tới các nước đang phát triển.
Ngân hàng này cũng thành lập trong bối cảnh giới chức Trung Quốc kêu gọi có một tổ chức độc lập khác tại châu Á cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nguyên nhân là Bắc Kinh lo ngại ADB, WB đều chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ và các đồng minh. Tháng trước, Trung Quốc còn đề nghị tăng gấp đôi vốn đăng ký của nhà băng này - Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á lên 100 tỷ USD. Con số này của ADB là 165 tỷ USD, theo Financial Times.
Mỗi nước trong BRICS sẽ đóng góp 10 tỷ USD ban đầu cho ngân hàng mới. 4 nước, trừ Brazil đã đề cử thành phố đặt trụ sở của tổ chức này. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong phiên họp tháng 7. Nhưng giới phân tích cho rằng khả năng cao là Thượng Hải. Bên cạnh đó, tên của ngân hàng này cũng chưa được quyết định.
Quyền thành viên của các nước khác sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, BRCIS vẫn là các nước kiểm soát. Vị trí lãnh đạo ngân hàng sẽ được luân phiên theo nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch đầu tiên cũng sẽ được công bố trong tháng này.
Theo Oliver Stuenkel - giáo sư Quan hệ quốc tế tại Quỹ Getulio Vargas (Brazil) cho biết ngân hàng này sẽ thay đổi tất cả các nước BRICS. Với Ấn Độ và Brazil, đây sẽ là nguồn tài chính tiềm năng cho nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn trong nước. Còn vVới Trung Quốc, đây là kế hoạch dự phòng trong khi các tổ chức như WB hay IMF đang bế tắc. Ngoài ra, họ cũng có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường cho đồng NDT.
Ông cũng nhận định tổ chức này không nhằm thay đổi trật tự thế giới hiện tại. Quy mô của nó cũng còn quá nhỏ để gây ra ảnh hưởng nào đó. Dù vậy, "ngân hàng này cũng không nên bị coi nhẹ", Stuenkel nói.
Nguồn VnExpress