Ngân hàng nước ngoài siết luật cho vay với Trung Quốc
Theo đó, một số ngân hàng nước ngoài yêu cầu các SOE Trung Quốc phải thế chấp tài sản để giảm thiểu rủi ro nợ xấu.
Reuters trích dẫn tài liệu nội bộ, ngân hàng DBS của Singapore đang lên kế hoạch đánh giá mức độ tin cậy của SOE Trung Quốc. Mới đây, DBS từng bị lỗ do khoản nợ xấu của một SOE Trung Quốc (từng được ngân hàng đánh giá là không có rủi ro). DBS cho biết sẽ thận trọng hơn khi xem xét cho vay đối với những SOE ít được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
Theo tài liệu tháng 1 của DBS, không phải tất cả các SOE Trung Quốc đều nhận được mức hỗ trợ như nhau từ chính phủ. Trung Quốc sẽ chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế thị trường.
DBS sẽ phân chia các SOE Trung Quốc thành nhiều cấp khác nhau tùy theo mức độ hỗ trợ của chính phủ. Theo đó, các công ty con sẽ có mức rủi ro cao hơn công ty mẹ. Những công ty con không được hợp nhất trong báo cáo tài chính của công ty mẹ sẽ bị xếp là khách hàng vay thông thường.
Trong khi đó theo một nhân viên tại Ngân hàng Thương mại Chang Hwa (Đài Loan), kể từ đầu năm nay, Chang Hwa chỉ thực hiện cho vay đối với những SOE Trung Quốc có thế chấp tài sản.
Thay đổi chính sách cho vay được xem là động thái chuẩn bị cho làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc của một số ngân hàng nước ngoài. Với yêu cầu thế chấp tài sản, các ngân hàng nước ngoài hy vọng có thể giảm thiểu khoản lỗ khi xảy ra nợ xấu.
Mới đây trong báo cáo tài chính năm, ngân hàng Standard Chartered cho biết, tổng tài sản thế chấp của ngân hàng đã tăng 4% do nợ xấu tại Trung Quốc, Ấn Độ và lĩnh vực hàng hóa tăng cao.
Trên thực tế, rủi ro vỡ nợ tại Trung Quốc ngày càng tăng do đà tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ nước này.
Khi nợ xấu xảy ra, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tự "an bài" cho hệ thống ngân hàng nước này. Tuy nhiên đối với các ngân hàng nước ngoài, tác động sẽ rất lớn, theo chiến lược gia Jiahe Chen tại công ty chứng khoán Cinda.
Kết quả khảo sát của Học viện kinh doanh Cheung Kong cho biết, trong quý IV/2014, khoảng 70% khoản nợ của Trung Quốc đều được thế chấp bằng tài sản, như bất động sản hoặc các nhà máy sản xuất.
Nguồn DVO/ Reuters