Thứ Ba | 27/08/2013 14:27

Ngân hàng ngoại đón đầu làn sóng cải cách ở Ấn Độ

Ngân hàng ngoại sẽ được mở nhiều chi nhánh ở Ấn Độ nhưng đổi lại phải tái cấu trúc lại công tác quản trị và nguồn vốn.
3 gã khổng lồ trong lĩnh vực ngân hàng là Standard Chartered, Citigroup và HSBC – đồng thời là 3 ngân hàng nước ngoài lớn nhất hoạt động ở Ấn Độ - đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với đợt cải cách trong lĩnh vực quản lý đối với hệ thống ngân hàng. Theo đó, 3 gã khổng lồ này sẽ phải thành lập các chi nhánh địa phương có nguồn vốn riêng biệt.

Theo các nguồn thạo tin, ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) sẽ sớm ban hành chính sách mới đối với các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ, có thể là trong tuần này.

Theo số liệu thống kê , các ngân hàng nước ngoài chiếm khoảng 5% tổng tài sản trong toàn bộ lĩnh vực ngân hàng ở Ấn Độ nhưng phải đối mặt với nhiều luật lệ và quy định khó khăn, trong đó có cả giới hạn về số chi nhánh mà các ngân hàng này được phép mở.

Chính sách mới này của Ấn Độ được cho là sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng ngoại mở thêm nhiều chi nhánh – điều mà họ mong chờ từ lâu – song đổi lại họ phải tái cấu trúc lại công tác quản trị và nguồn vốn.

Ông Ravi Trivedi – cố vấn đồng thời là nguyên giám đốc bộ phận ngân hàng của KPMG Ấn Độ cho biết: “Đây là thay đổi lớn nhất mà các ngân hàng ngoại sẽ trải qua trong vòng 20-30 năm qua. Đó là sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu, buộc các ngân hàng ngoại phải giảm phụ thuộc vào ngân hàng mẹ và được quản lý theo một cách hoàn toàn khác”.

Cả 3 ngân hàng Standard Chartered, HSBC and Citigroup đều từ chối bình luận về chính sách mới này.

Các quy định mới nhất này được ban hành trong bối cảnh các ngân hàng ngoại đang trải qua thời kỳ khó khăn ở Ấn Độ. Nhiều ngân hàng đang vật lộn để giành được thị phần lớn hơn trong hệ thống ngân hàng nước này (có tổng tài sản khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2012) – vốn được các chuyên gia ước tính sẽ trở thành hệ thống ngân hàng lớn thứ 3 thế giới tính theo quy mô tổng tài sản trong vòng 2-3 thập niên tới đây.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, các ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley và UBS đều bỏ ý định xin giấy phép hoạt động toàn diện trong lĩnh vực ngân hàng ở Ấn Độ. Trong khi đó, Barclasy và Royal Bank of Scotland đã đóng cửa hoạt động ngân hàng bán lẻ ở Ấn Độ.

Theo nhiều nguồn thạo tin, ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ không bắt các ngân hàng nước ngoài hiện hoạt động tại Ấn Độ phải thành lập các chi nhánh. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng 3 ngân hàng lớn nhất sẽ không có lựa chọn ngoài lập chi nhánh.

Trong vòng 5 năm tới, StanChart, Citigroup và HSBC cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn các quy định khó khăn: cho nông dân và các cộng đồng dân cư nghèo vay nhiều hơn – điều mà họ khó có thể làm được nếu như không đồng ý thành lập các chi nhánh.

Ông Saurabh Tripathi thuộc hãng tư vấn BCG ở Mumbai cho biết: “Các ngân hàng lớn đang vật lộn để đáp ứng các yêu cầu mới trong đó có việc cho các đối tượng ưu tiên vay nhiều hơn trước. Đây là quá trình bị trì hoãn đã lâu. Tuy nhiên tôi không ngạc nhiên nếu như nó xảy ra nhanh trong bối cảnh chính sách mới đã tạo ra hiệu ứng phụ tích cực là thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Ấn Độ”.

Chính sách thúc đẩy “chi nhánh hóa” ngân hàng nước ngoài được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để bảo vệ hệ thống tài chính nước này khỏi sự đổ vỡ của các ngân hàng toàn cầu ở các quốc gia xa xôi.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện