Thứ Sáu | 07/06/2013 20:09

Ngân hàng Myanmar chìm trong tiền mặt

Khi bước chân vào một chi nhánh ngân hàng ở Myanmar, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là tiền mặt có ở khắp mọi nơi.
Sau khi bán căn nhà tại Yangon, Nyein Chan Aung phải đối mặt với một tình thế vô cùng khó xử, đó là làm gì với số tiền đang có. Liệu ông nên cất giữ nó ở nhà hay gửi ở ngân hàng? Sau một thời gian cân nhắc, Aung quyết định gửi 1/3 số tiền vào ngân hàng, phần còn lại ông cất giữ ở nhà. Tuy nhiên, lý do duy nhất khiến ông gửi một phần tiền ở ngân hàng là đề phòng trường hợp nhà bị cháy.

Đó là chính hiện thực đang diễn ra ở Myanmar khi đa phần người dân rất ngại tới ngân hàng để gửi tiền. Không chỉ lỗi thời, các ngân hàng Myanmar còn khá xa lạ với 90% dân số. Ở Myanmar, người dân hoàn toàn không có thói quen gửi tiền vào ngân hàng và cất giữ ở nhà. Đó cũng chính là lý do vì sao Myanmar được mệnh danh là nền kinh tế "toàn tiền mặt".

Sau khi chế độ cũ sụp đổ, chính phủ mới của Myanmar vô cùng chú trọng việc cải cách hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, những cải cách ban đầu càng khiến các ngân hàng Myanmar bộc lộ nhiều bất cập.

Khi bước chân vào một chi nhánh ngân hàng ở Myanmar, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là tiền mặt có ở khắp mọi nơi. Hàng đống tiền mặt bị bó lại như những viên gạch nằm la liệt trên quầy rút tiền, bàn làm việc, thậm chí vứt bừa bộn dưới nền nhà. Khi đi mua sắm, người dân Myanmar cũng mang theo túi đựng đầy tiền mặt.

Ayeyarwady Bank, một ngân hàng tư nhân của Myanmar mới thành lập năm 2010.
Ayeyarwady Bank, một ngân hàng tư nhân của Myanmar mới thành lập năm 2010.

Chính phủ Myanmar hiện vẫn đang tích cực xây dựng hệ thống tín dụng mới cho đất nước và những máy rút tiền tự động (ATM) thực sự là một bước phát triển tương đối mới ở Myanmar. Tuy nhiên, hệ thống ATM ở Myanmar ít khi hoạt động do tình trạng mất điện thường xuyên.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là vấn đề nhỏ. Vấn đề lớn hơn nữa của hệ thống ngân hàng Myanmar chính là sự kém tiện dụng. Ở các nước, các khoản vay dễ dàng, các sản phẩm tại chính, hoạt động liên ngân hàng hay tín dụng là điều quá đỗi bình thường, nhưng ở Myanmar những thứ đó chưa bao giờ tồn tại. Các doanh nghiệp ở Myanmar gần như không thể vay tiền với thời hạn quá 1 năm.

Thậm chí, cuối mỗi ngày giao dịch, các quản lý ngân hàng còn phải gọi điện cho ngân hàng trung ương để thông báo số dư tài khoản.

Hiện tại, Myanmar đang chờ đợi dự luật ngân hàng mới được quốc hội thông qua. Cho đến thời điểm đó, hoạt động cải cách ngân hàng ở Myanmar gần như dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện được cải cách, các ngân hàng Myanmar vẫn còn một chặng đường dài để lấy lại niềm tin của người dân.

Một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong hệ thống ngân hàng Myanmar chính là việc thẻ tín dụng đang ngày một phổ biến hơn, song mới chỉ có thẻ của Visa và Mastercard. Hiện chưa có công ty địa phương nào có ý định phát hành thẻ tín dụng mới.

Đây mới chỉ là một bước tiến nhỏ, song đối với Myanmar, một bước nhỏ nhưng đúng hướng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nó là dấu hiệu cho thấy Myanmar đã sẵn sàng trở thành một phần trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Nguồn CNN/Dân Việt


Sự kiện