Ngân hàng Hoàng gia Scotland bị phạt 620 triệu USD do thao túng lãi suất Libor
RBS sẽ phải nộp 87,5 triệu bảng (140 triệu USD) cho Cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) và hơn 300 triệu bảng (480 triệu USD) cho Bộ Tư pháp và Ủy ban hàng hóa kỳ hạn Mỹ.
Khoản tiền phạt này cao hơn 100 triệu bảng so với mức phạt 290 triệu bảng (450 triệu USD) mà Anh và Mỹ áp dụng đối với một "đại gia" ngân hàng khác của Anh là Barclays hồi tháng 6/2012 với hành vi vi phạm tương tự.
Trong thông cáo đưa ra ngày 6/2, chủ tịch RBS Philip Hampton thừa nhận đây là "ngày tồi tệ" đối với ngân hàng này.
RBS đã phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng trong hệ thống và quy trình kiểm soát cũng như việc làm sai trái của 21 nhân viên. Ban lãnh đạo RBS cũng đã kỷ luật hoặc sa thải các nhân viên vi phạm, đồng thời sử dụng mọi biện pháp có thể để thay đổi văn hóa trong ngành ngân hàng, cũng như tính minh bạch trong vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng đây là hành vi "không thể chấp nhận" và chính RBS chứ không phải người dân đóng thuế Anh phải trả khoản tiền phạt này.
Tuy nhiên chính phủ Anh sở hữu tới 81% cổ phần RBS sau khi ngân hàng này nhận được khoản cứu trợ trị giá 45 triệu bảng (70 triệu USD) của chính phủ bốn năm trước do gặp khó khăn về tài chính. Điều này cũng có nghĩa là nhiều khả năng các khoản tiền phạt sẽ lại đặt lên vai những người nộp thuế Anh, vốn đang phải sống trong tình cảnh thắt chặt chi tiêu do kinh tế eo hẹp.
RBS cho biết họ sẽ thu hồi những khoản tiền thưởng không đúng đối tượng và giảm các khoản tiền thưởng trong tương lai để trả tiền phạt cho phía Mỹ.
Theo FSA, RBS đã được giảm 30% số tiền phạt do ngân hàng đã đồng ý giải quyết vụ bê bối này ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu. Nếu không được giảm, khoản tiền phạt sẽ là 125 triệu bảng (200 triệu USD).
Cơ quan này cũng cho biết hành vi sai trái ở RBS đã "lan rộng," liên quan đến một số nhân viên và diễn ra trong nhiều năm.
Theo các nhà điều tra, các nhân viên RBS đã móc nối với nhiều đối tượng khác để thao túng Libor - lãi suất tham chiếu cho các hoạt động vay mượn trên toàn thế giới - trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2010. Điều này được thực hiện để giảm chi phí vay của các ngân hàng dính vào vụ bê bối trên trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hơn một chục ngân hàng và công ty môi giới, trong đó có các đại gia như JP Morgan, Deutsche Bank AG và Citigroup Inc, đang bị điều tra về hành vi thao túng Libor và Euribor, vốn là các lãi suất tham chiếu cho những khoản vay trị giá nhiều nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.
Nguồn Vietnam+