Ngân hàng hoàng gia Scotland bị Mỹ điều giao dịch với Iran
Trường hợp này cũng liên quan đến một chuỗi các ngân hàng Anh, châu Âu, Nhật Bản chịu sự giám sát của các nhà quản lý do phải đối mặt với cáo buộc giao dịch đồng USD bất hợp pháp với Iran trước khi Mỹ thắt chặt thêm lệnh trừng phạt vào năm 2008.
Việc điều tra diễn ra sau khi tuần trước, ngân hàng Standard Chartered đồng ý nộp phạt 340 triệu USD cho sở giao dịch tài chính của bang New York.
Ngân hàng RBS bị cáo buộc giao dịch với Iran sau khi giám đốc điều hành Stephen Hester tiến hành đánh giá nội bộ sau 3 năm nhậm chức.
Quá trình đánh giá nội bộ diễn ra liên tục đã khiến một quan chức quản lý rủi ro cao cấp phải từ chức và quyền kiểm soát các đơn vị khu vực của ngân hàng vấp phải sự chỉ trích, nguồn tin cho biết.
Cuộc thăm dò của chính quyền Mỹ cũng là vấn đề mới nhất mà RBS phải đối mặt sau một loạt các rủi ro bao gồm sự thất bại về công nghệ thông tin, thất bại về phổ biến sản phẩm bán lẻ của các doanh nghiệp nhỏ và sự dính líu đến bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor.
RBS từ chối đưa ra bình luận trước thông tin trên, tuy nhiên trong báo cáo nửa đầu năm, ngân hàng này cho biết "đã bắt đầu thảo luận với chính quyền Mỹ và Anh về việc tuân thủ pháp luật và quy định, bao gồm các quy định về lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ".
"Chi phí điều tra, trách nhiệm pháp lý phát sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị tài sản ròng, kết quả hoạt động hoặc các dòng tiền mặt của ngân hàng trong bất kỳ khoảng thời gian cụ thể nào", RBS cho biết thêm.
Năm ngoái, ngân hàng RBS đã ký với chính quyền Mỹ về việc tuân thủ quy định ngành ngân hàng và luật chống rửa tiền.
RBS đã đồng ý nộp phạt 500 triệu USD cho bộ tư pháp cách đây 2 năm khi thừa nhận ABN Amro, ngân hàng cho vay Hà Lan mà RBS mua lại vào năm 2007 vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ do giao dịch với Iran, Libya, Sudan và Cuba.
Ngoài RBS, ngân hàng Commerzbank của Đức ngày 21/8 cũng đã hợp tác với chính quyền Mỹ điều tra các giao dịch trong quá khứ với Iran.
Sumitomo Mitsui Financial Group, một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất Nhật Bản tháng trước đã thông báo với các nhà đầu tư rằng "một số lượng giao dịch hạn chế" với các nước thuộc đối tượng trừng phạt của Mỹ đã được xác định và ngân hàng này tự nguyện cung cấp thông tin cho chính quyền Mỹ.
Nguồn FT/Khampha