Ảnh: Getty Images.
Ngân hàng First Republic có thể bị tiếp quản bởi FDIC
Theo các nguồn tin thân cận của CNBC, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) vẫn có khả năng sẽ tiếp nhận ngân hàng đang gặp khó khăn này. Cổ phiếu của First Republic đã trượt giá 30% và nhiều lần bị tạm dừng do biến động.
Trong cả năm nay, tính tới thời điểm hiện tại thì cổ phiếu ngân hàng này đã giảm đến 90% do các nhà đầu tư mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng, sau khi hai ngân hàng cho vay lớn trong khu vực sụp đổ vào tháng 3.
Nguồn tin cho hay FDIC đang yêu cầu các ngân hàng khác đấu thầu thu mua First Republic nếu ngân hàng này bị cơ quan quản lý tịch thu. Nguồn tin cũng cho biết thêm, vẫn sẽ có giải pháp khác cho ngân hàng này mà không bao gồm việc bị tiếp quản.
Ngày 28/3, First Republic chia sẻ với CNBC rằng “Chúng tôi đang tham gia thảo luận với nhiều bên về các lựa chọn chiến lược trong khi tiếp tục phục vụ khách hàng của mình.”
Theo CNBC, các cố vấn của First Republic đang chuẩn bị thuyết phục các ngân hàng lớn hơn về kế hoạch bán trái phiếu và các tài sản khác với tỷ giá cao hơn thị trường và sau đó huy động vốn chủ sở hữu. Việc bán trái phiếu sẽ dẫn đến thua lỗ cho các ngân hàng mua trái phiếu nhưng có thể ít tốn kém hơn về lâu dài so với việc để ngân hàng phá sản và bị cơ quan quản lý tịch thu.
Reuters đưa tin hôm thứ 28/4 rằng các cơ quan quản lý Mỹ - bao gồm từ FDIC, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang - đang điều phối các cuộc họp với các ngân hàng khác để môi giới kế hoạch giải cứu cho First Republic.
Cổ phiếu của First Republic đóng cửa ở mức 16 USD vào ngày 24/4 trước khi ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên, cho thấy tiền gửi giảm khoảng 40%. Cổ phiếu đã giảm hơn 60% trong hai ngày sau đó, chạm mức thấp nhất mọi thời đại mới.
First Republic là một ngân hàng khu vực tập trung vào các cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao, bao gồm cả việc cung cấp các khoản thế chấp với lãi suất thấp cho những khách hàng đó.
Các khoản thế chấp đó, cũng như các tài sản dài hạn khác trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đã giảm giá trị thị trường kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái, khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng sẽ phải ghi nhận một khoản lỗ lớn nếu buộc phải bán những tài sản đó để huy động tiền mặt.
Làn sóng rút tiền gửi ồ ạt của First Republic xuất hiện sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank vào tháng 3. Kể từ đó, các ngân hàng lớn nhất của quốc gia, bao gồm cả JPMorgan Chase, đã hỗ trợ First Republic với 30 tỉ USD tiền gửi có kỳ hạn.
Có thể bạn quan tâm: Cơn nóng bất tận tại châu Á trong tháng 4
Nguồn CNBC