Ngân hàng đầu tư: Khi các đại gia rút lui
Sau nhiều năm cắt giảm việc làm và tái cơ cấu, hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới giờ làm rất ít về mảng ngân hàng đầu tư. Trong tốp 10 ngân hàng toàn cầu lớn nhất hiện chỉ còn 2 ngân hàng - Goldman Sachs và Morgan Stanley - vẫn còn kiếm phần lớn nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư, so với 6 ngân hàng từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cục diện mới trên thị trường ngân hàng đầu tư cho thấy sự rút lui “ngoạn mục” của các đại gia ngân hàng đến từ châu Âu sau khi họ thua lỗ lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó phải rút khỏi các hoạt động rủi ro dưới sức ép của cơ quan quản lý. Họ giờ co cụm rất nhiều trong các hoạt động ngân hàng đầu tư như dẫn dắt các đợt IPO, dàn xếp các thương vụ mua bán - sáp nhập hoặc bán lại nợ doanh nghiệp cũng như trong các hoạt động khác như giúp khách hàng giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu và tạo ra các sản phẩm tài chính như chứng khoán phái sinh.
Các ngân hàng lớn của Mỹ, đối mặt với áp lực từ cơ quan quản lý và trước những mức thua lỗ nặng nề, cũng đã cắt giảm hoạt động trong lĩnh vực này. Kể từ khủng hoảng, số nhân viên đã giảm tới 40.000 người, tương đương gần 30% lực lượng lao động. Đây là số nhân viên bị sa thải ở các bộ phận ngân hàng đầu tư của 5 ngân hàng toàn cầu có công bố các con số về lao động.
Một phân tích của Financial Times cho thấy mức độ tái cấu trúc sâu rộng tại các tổ chức cho vay lớn nhất thế giới. Kết quả là quy mô của mảng ngân hàng đầu tư tại các ngân hàng đã co hẹp lại đáng kể và gần như không có điểm chung với nhau.
Theo đó, mảng ngân hàng tư nhân và quản lý tài sản cá nhân đã thay thế ngân hàng đầu tư trở thành cỗ máy hái ra tiền tại một số ngân hàng toàn cầu. Những ngân hàng khác thì tái định vị mình như một tổ chức cho vay trong nước, tránh xa rủi ro từ mảng ngân hàng đầu tư. Cả hai chiến lược nói trên đều yêu cầu ít vốn hơn so với mảng ngân hàng đầu tư. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các cơ quan quản lý đều siết chặt các quy định về vốn và nay để duy trì mảng ngân hàng đầu tư, lượng vốn cần để tham gia lĩnh vực này đều tăng mạnh. Hơn nữa, các ngân hàng này hiện có nguồn lợi nhuận ổn định hơn, nên cũng ít mặn mà đối với mảng ngân hàng đầu tư.
UBS, ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị tài sản trước khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, đã đi theo con đường quản lý tài sản cá nhân - một phần trong nỗ lực tái cấu trúc triệt để của ngân hàng này. Cuộc tái cấu trúc diễn ra không lâu sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, nhưng bắt đầu tăng tốc vào cuối năm 2012 khi UBS tuyên bố rút khỏi mảng thu nhập cố định.
Mảng ngân hàng đầu tư của UBS chỉ thu về mức doanh thu 2,4 tỉ franc Thụy Sĩ trong quý II năm nay, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,2 tỉ franc kiếm được trong quý II/2007, một năm trước khi sự sụp đổ của Lehman Brothers đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kế hoạch của UBS là “quẳng bớt đi cho nhẹ gánh”, chỉ tập trung vào các lĩnh vực ngân hàng đầu tư mà ít có khả năng bị mất vốn và những lĩnh vực được sự ủng hộ của các cơ quan điều hành chính sách. UBS giờ là một ngân hàng đầu tư đã tinh gọn hơn trước nhiều. Hiện gần như phân nửa doanh thu quý II đến từ mảng giúp các khách hàng mua bán cổ phiếu, 30% khác đến từ các hoạt động ngân hàng đầu tư truyền thống trong đó có tư vấn cho khách hàng, các thị trường vốn nợ...
Hình ảnh của UBS bây giờ khác rất nhiều so với một số ngân hàng đầu tư, vốn vẫn còn kiếm được nhiều tiền từ mảng phí giao dịch và bán các sản phẩm tài chính. “Không có một quy mô nào là phù hợp cho tất cả. Bạn có thể thành công theo những cách khác nhau”, Andrea Orcel, đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư đã được tái cấu trúc của UBS.
Các ngân hàng khác thì vẫn đang ra sức giảm quy mô ngân hàng đầu tư. Barclays từng tạo ra phần lớn lợi nhuận từ mảng ngân hàng đầu tư, nhưng tình hình thị trường đi xuống cùng với quy định tài chính khắt khe hơn đã khiến ngân hàng đầu tư trở thành bộ phận làm ăn kém cỏi nhất tại Barclays, khi chỉ mang về ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) 2,9% vào năm ngoái. Barclays đã thực hiện cắt giảm và cam kết sẽ cắt giảm hơn nữa dưới thời của Chủ tịch John McFarlane.
Tương tự, Deutsche Bank đang chốt lại kế hoạch chiến lược dưới thời đồng CEO mới John Cryan. Tân CEO Credit Suisse, ông Tidijane Thiam, cũng đang đánh giá lại chiến lược cho mảng ngân hàng đầu tư. Tại Morgan Stanley, mặc dù là 1 trong 2 ngân hàng đầu tư lớn còn lại trên thị trường nhưng ngân hàng này cũng đã đa dạng hóa bằng cách đẩy mạnh mảng môi giới bán lẻ với thương vụ thâu tóm Smith Barney.
Trước những thay đổi lớn trên thị trường ngân hàng đầu tư, James Gorman, CEO của Morgan Stanley, năm ngoái đã tuyên bố “ngành ngân hàng đầu tư gần như đã biến mất”. Tuy nhiên, Colm Kelleher, đứng đầu bộ phận chứng khoán tổ chức của Morgan Stanley, cho rằng mảng ngân hàng đầu tư nhìn tổng thể sẽ “tiếp tục tạo ra xấp xỉ phân nửa nguồn thu của chúng tôi”. Ông nói thêm: “Những bộ phận này đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của nền kinh tế toàn cầu và là yếu tố nòng cốt tạo ra tăng trưởng”.
JPMorgan Chase đã cắt giảm gần 25.000 việc làm ở mảng ngân hàng đầu tư kể từ giữa năm 2007. Nhưng bộ phận này vẫn còn tuyển dụng tới khoảng 50.000 người, nhiều hơn cả toàn bộ số nhân viên của Goldman Sachs hay Credit Suisse và chỉ thấp hơn một chút so với số nhân viên của Morgan Stanley là 56.000 người.
Có tới 1/3 doanh thu của JPMorgan hiện đến từ mảng ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp. Khoảng 20% doanh thu của bộ phận này đến từ các hoạt động ngân hàng đầu tư truyền thống; còn lại từ thu nhập cố định và cổ phiếu. Daniel Pinto, đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư tại JPMorgan, cho biết sứ mệnh là nhằm “mang đến cho khách hàng một nền tảng ngân hàng toàn cầu hoàn chỉnh”. Ông nói thêm: “Chúng tôi nhận thấy đây là một chiến lược ngày càng hiếm hoi trong số các ngân hàng đầu tư lớn trên thị trường, nhưng quy mô của JPMorgan đang cho chúng tôi một vị thế đặc biệt để theo đuổi mục tiêu này”.
Tại Bank of Amercia, cuộc thâu tóm Merrill Lynch năm 2009 đã tạo ra một định chế tài chính mà có tới 40% doanh thu đến từ bộ phận các thị trường và ngân hàng toàn cầu. Điều đó mang đến cho Bank of America một “bệ đỡ” doanh thu hoàn toàn khác biệt với UBS và Morgan Stanley. “Rất khó mà có một mẫu số chung. Các quy định tài chính khác nhau, môi trường hoạt động và kinh doanh cũng khác nhau đã và đang đẩy các ngân hàng đi theo những hướng khác nhau”, Christian Meissner, đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của Bank of America, nhận xét.
Lĩnh vực ngân hàng đầu tư hiện mang lại lợi nhuận cao hơn so với các lĩnh vực khác trong ngành ngân hàng. Bằng chứng là chúng đều tạo ra mức sinh lời cao hơn so với hoạt động của công ty mẹ tại 7 trong số 8 ngân hàng có công bố con số tài chính của mảng ngân hàng đầu tư. Nhưng lợi thế này của mảng ngân hàng đầu tư sẽ giảm đi khi lãi suất tăng lên vì lúc đó, ngân hàng bán lẻ sẽ trở nên sinh lời hơn. Ngân hàng đầu tư cũng cần phải mang về mức sinh lời cao hơn các bộ phận khác để có thể “biện hộ” cho những khả năng thua lỗ lớn có thể xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Meissner, Bank of America, cho rằng lợi nhuận hiện ở mức cao đủ để các ngân hàng bắt đầu phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho mảng ngân hàng đầu tư. “Mức sinh lời vẫn khá hấp dẫn xét trong mối tương quan với các lĩnh vực khác mà bạn có thể làm”, ông nói.
Đàm Hoa
Nguồn FT