Thứ Hai | 13/05/2013 15:00

Ngân hàng đầu tư: Buổi hoàng hôn của các vị thần

Khủng hoảng tài chính tạo ra người thắng và kẻ thua nhưng nhìn tổng thể, ngân hàng đầu tư đang phải đối mặt với một tương lai ngày càng khiêm tốn hơn.

Trên đây là nhận định của Jonathan Rosenthal, phóng viên thường trú của The Economist tại London.

Năm mươi năm trước tờ Economist nói rằng các ngân hàng của Anh là "ngành tài chính sụt giảm lớn nhất thế giới" và đặt ra câu hỏi: "liệu tương lai nào cho ngân hàng?" Với nhận thức muộn màng, phân tích đó đã phạm sai lầm một cách ngoạn mục.

Nhìn lại quá khứ, ngân hàng đã mở rộng mạnh mẽ thời kì giữa năm 1963 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhờ áp dụng hầu hết các biện pháp, ngành ngân hàng đã tạo ra lợi nhuận đáng kể cho các cổ đông và chi trả khoản tiền lớn cho nhân viên của mình. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), một thước đo tiêu chuẩn về lợi nhuận, thường dao động từ 20% đến 25% đối với ngành tài chính nói chung và thường xuyên cao hơn đối với các công ty thành công nhất.

Chi phí tăng vọt, không chỉ cho ngân hàng mà còn đối với hầu hết nhân viên trên toàn ngành tài chính. Dylan Grice, nhà quản lý quỹ tại Edelweiss lưu ý rằng trong năm ngoái có đến 12/50 người Mỹ giàu nhất theo công bố của tạp chí Forbes hoạt động trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản hoặc các nhà đầu tư. Khác biệt lớn so với năm 1982, không ai trong danh sách những người giàu nhất làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, lợi nhuận cũng “sụp đổ” theo. Boston Consulting Group (BCG) tính toán rằng ROE của các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đã giảm một nửa, xuống còn khoảng 10% ở châu Âu và 13% ở Mỹ. Triển vọng thậm chí còn tồi tệ hơn, với lợi nhuận có thể sẽ giảm đến 6-9%.

Quan điểm về tăng trưởng và lợi nhuận trong lĩnh vực tài chính đang phân cực

Brady Dougan giám đốc điều hành của Credit Suisse nói: "Ngay từ đầu đã có hai phe. Một phe, có lẽ là số đông, hy vọng và tin rằng tất cả điều này sẽ qua đi và phe còn lại thì thấy rằng ngành tài chính và khung pháp lý đã thay đổi vĩnh viễn. Chúng tôi luôn tin rằng những thay đổi sẽ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài. Vì mọi thứ đã và đang phát triển, ngày càng nhiều người nhận ra rằng mọi việc sẽ không trở lại theo lối mòn cũ".

Sự tăng trưởng bất thường trong tài chính trước cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng nợ khu vực tư nhân ở các nước giàu, nơi mà tài sản ngân hàng tăng từ mức trung bình khoảng 50% GDP trong năm 1960 lên khoảng 200% GDP vào cuối năm những năm 2000 (xem biểu đồ). Ở các nước có ngành ngân hàng quốc tế lớn, chẳng hạn như Anh, tài sản ngân hàng tăng lên đến khoảng năm lần GDP. Ở Iceland và Thụy Sĩ con số này lên đến gấp tám đến mười lần GDP. Ở Mỹ, nơi “Main Street” đã lớn hơn nhiều so với “Wall Street”, tỷ lệ tài sản ngân hàng so với GDP tăng gấp đôi trong 15 năm dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính, tới 126%.

Số liệu chính về ngân hàng đầu tư. (Nguồn: The Economist).
Số liệu chính về ngân hàng đầu tư. (Nguồn: The Economist).

Tình hình tài chính của các ngân hàng đầu tư được củng cố hơn bao giờ hết vào thời điểm trước khủng hoảng tài chính. Andy Haldane, người chịu trách nhiệm ổn định tài chính tại Ngân hàng trung ương Anh (BOE) nhấn mạnh rằng, trong suốt thế kỷ cho đến năm 1970, tài sản ngân hàng trong 14 nền kinh tế lớn tăng trưởng với tốc độ khá ổn định: trung bình chỉ cao hơn 0,6%/năm so với GDP. Tuy nhiên, sau năm 1970 tỷ lệ tài sản so với GDP tăng khoảng 3 điểm phần trăm một năm, tăng gấp đôi trong vòng vài thập kỷ qua.

Hầu hết các lý do cho sự tăng trưởng bất thường này là tích cực. Như các công ty lớn bắt đầu làm kinh doanh tại nhiều nước hơn bao giờ hết, họ cần các ngân hàng lớn có thể theo họ “vượt qua biên giới”, cung cấp tín dụng để tài trợ cho các nhà máy, trả tiền nhân viên và bảo hiểm những rủi ro có thể gây ra do quá trình lưu chuyển tiền tệ hoặc thay đổi lãi suất. Trong 12 năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính, kim ngạch trao đổi thương mại thế giới đã tăng từ 22% lên 33% GDP toàn cầu.

Bãi bỏ quy định của các ngân hàng, thị trường và những đổi mới tài chính cũng đóng một vai trò không nhỏ. Cách thức mới để tài trợ mua nhà thông qua việc sử dụng các chứng khoán thế chấp đã giảm chi phí vay cho hàng triệu hộ gia đình trong các nền kinh tế giàu thế giới. Phần lớn những người không có khả năng vay mượn, lần đầu tiên trong đời đã có thể mua nhà.

Nhưng điều này cũng đi quá giới hạn. Một tỷ lệ đáng lo ngại trong số hàng triệu ngôi nhà được tài trợ đã được mua bởi những người không có hy vọng hoặc không có ý định trả nợ. Hàng loạt các sáng kiến tài chính hữu ích cũng bao gồm một số thiết kế chủ yếu cho phép các ngân hàng bỏ qua các quy định và chấp nhận nhiều rủi ro hơn với tiền của cổ đông (và của người nộp thuế) . Hầu hết các ngân hàng đổ lỗi cho những động thái vượt quá giới hạn này, nhưng ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý cũng đã phần nào chịu trách nhiệm về làn sóng tín dụng bùng nổ trong nền kinh tế trong những năm 2000. Chính sách nới lỏng tiền tệ khuyến khích mạo hiểm với rủi ro và sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính.

Có lẽ ảnh hưởng nguy hiểm nhất đến từ một điều bất ngờ: khuôn khổ các quy tắc về vốn Basel 2. Được nhiều người coi là đỉnh cao của quy định ngân hàng, nhằm hiệu chỉnh chính xác số vốn mà các ngân hàng phải giữ lại đối với mỗi khoản vay mặc định. Tuy nhiên, họ đã vô tình khuyến khích các ngân hàng giữ lại số lượng lớn các tài sản "rủi ro".

Hầu hết các khoản tín dụng mà ngân hàng cung cấp và những cải tiến đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt không tốt đẹp đó là thổi phồng kích thước của khu vực tài chính như việc ngân hàng tạo ra nhiều hơn bao giờ hết chứng khoán được mua bán với nhau. McKinsey, một nhà tư vấn tính toán rằng khoảng một phần ba sự gia tăng trong tỷ lệ nợ so với GDP của thế giới trong những năm trước khủng hoảng đến từ việc các ngân hàng tăng kích thước của bảng cân đối kế toán và lượng trái phiếu phát hành bởi các ngân hàng trong giai đoạn này lớn hơn khoảng năm lần so với các công ty. Xu hướng này tăng tốc sau năm 1995, với chỉ một phần tư sự gia tăng nợ so với GDP đến từ các hộ gia đình và các công ty.

Quá lớn để thành công

Hầu hết các ngân hàng nhảy dựng lên khi được hỏi liệu các ngành tài chính đã đủ lớn trong mối quan hệ với phần còn lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, chính câu hỏi đó mới là tâm điểm trong bức tranh tương lai của ngành tài chính. Năm ngoái, ngân hàng đầu tư tạo ra tổng doanh thu khoảng 233 tỷ USD (xem trên biểu đồ bên trái phía trên), ít hơn gần 1/3 so với lúc đỉnh điểm đạt 341tỷ USD trong năm 2009.

Những con số dao động rất nhiều, vì vậy không nên chỉ đọc những kết quả của một năm duy nhất. Năm 2008 doanh thu của ngành ngân hàng chỉ bằng một nửa năm trước đó, nhưng trong năm 2009 nó đã tăng hơn gấp đôi và đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, doanh thu vẫn duy trì tình trạng thấp kể từ năm 2010 và có một khởi đầu khá yếu trong quý đầu tiên của năm nay, thời điểm mà các ngân hàng thường tạo ra khoảng 1/3 doanh thu hàng năm của mình.

Ngân hàng nghĩ rằng ngành tài chính sẽ tiếp tục tăng ít nhất là nhanh như các ngành kinh tế cơ bản, hoặc nhanh hơn. Sự giàu có ngày càng tăng ở cả nước giàu có và đang phát triển sẽ tạo ra nhiều tài sản tài chính có thể được mua bán. Việc tăng thâm nhập ngân hàng và nợ ở nước đang phát triển như hệ thống pháp lý và nền tài chính đủ mạnh sẽ cho phép mọi người vay bằng với giá trị căn nhà của họ hoặc đất và cho phép các công ty bán trái phiếu và cổ phiếu để tăng vốn.

Một trong những người lạc quan là Jamie Dimon, chủ tịch và giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ. "Đầu tư tài sản đang tăng lên chứ không đi xuống. Thương mại toàn cầu đang đi lên, chứ không phải đi xuống. Xu hướng cơ bản của ngân hàng đầu tư là đi lên và sẽ phát triển theo thời gian", tuy nhiên ông Dimon khá đơn độc trong việc dự báo tăng trưởng lành mạnh của ngành ngân hàng.

Glenn Schorr, một nhà phân tích của Nomura tại New York tóm tắt ngắn gọn nhiều suy nghĩ trong ngân hàng đầu tư cao cấp. Ông lưu ý rằng doanh thu dịch vụ tài chính nói chung liên quan chặt chẽ với GDP của thế giới, do đó ít nhất cũng có triển vọng trong tương lai. Michael Poulos đến từ công ty tư vẫn Oliver Wyman cho rằng dịch vụ tài chính là mặt hàng xa xỉ, với nhu cầu phát triển nhanh hơn tương tự như việc các nước đang ngày càng giàu có.

Điều tồi tệ nhất vẫn đến

Hàng loạt yếu tố còn chờ xếp hàng để chống lại những điều tích cực đang duy trì được một lực lượng mạnh mẽ, có thể đảm bảo cho sự phát triển của ngành tài chính và lợi nhuận cao.

Yếu tố đầu tiên, tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng ở hầu hết các nước giàu. Theo chu kỳ kinh tế, chắc chắn tăng trưởng sẽ thay đổi theo thời gian nhưng sự suy thoái đang kéo dài hơn so với dự báo của các ngân hàng. Lãi suất xuống mức thấp kỷ lục ở hầu hết các nước giàu đã sụt giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận tổng tài sản và làm cản trở động lực tạo ra lợi nhuận trong nhiều doanh nghiệp kinh doanh. Michael Sherwood, phó chủ tịch của Goldman Sachs cho biết: "Doanh thu của nhân hàng đầu tư vẫn giữ mức ổn định trong thời gian tới, vì vậy chúng tôi đang tập trung vào việc duy trì mức hiệu suất và xác định nơi có nhiều cơ hội để tăng thị phần."

Yếu tố thứ hai liên quan đến các quy định liên quan đến cơ cấu của các ngân hàng. Trước mắt là một loạt các quy định mà về cơ bản sẽ thay đổi quá trình kinh doanh của ngân hàng đầu tư. Quy định tăng mức vốn đã được thông sẽ buộc các ngân hàng thu hẹp bảng cân đối kế toán và sẽ làm giảm khả năng sinh lợi nhuận. Quy định mà phần lớn vẫn còn nằm trên giấy sẽ làm cho các ngân hàng đầu tư ít có khả năng sử dụng tiền gửi cá nhân với lãi suất huy động thấp để tài trợ cho doanh nghiệp kinh doanh dám chấp nhận rủi ro. Như một hệ quả tiếp đến, khả năng sinh lời ít hơn (vì an toàn hơn).

Một mối đe dọa mà các ngân hàng phải đối mặt là tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cũng như cuộc cạnh tranh đã làm cho ô tô, máy bay và máy tính ngày một rẻ hơn và tốt hơn theo thời gian, ngân hàng cũng đang chịu áp lực để cung cấp tín dụng nhiều hơn với chi phí ít hơn. Nhờ công nghệ mới như hệ thống giao dịch thuật toán, nhiều công ăn việc làm trước đây được thực hiện bởi các ngân hàng hiện nay được thực hiện bởi các máy tính mà không lo sự chống phá từ các công ty đối thủ. Hơn nữa, đa phần trong số các hệ thống này đang được mua bởi chính các khách hàng của ngân hàng, cho phép họ giao dịch trực tiếp với nhau, yêu cầu tỷ giá ngoại tệ có lợi hơn và giao dịch với chi phí rẻ hơn.

Ken Moelis, ông chủ ngân hàng kì cựu hiện đang điều hành công ty riêng của mình, nhớ lại rằng khi ông bắt đầu bước chân vào trong ngành tài chính năm 1981 tại Drexel Burnham Lambert, một công ty đi tiên phong trong thị trường trái phiếu, "trong khi không có một công ty nào khác trên thế giới biết cách định giá một trái phiếu", vì vậy việc phát hành và kinh doanh chúng là vô cùng lợi nhuận.

Nhưng ngày nay, trái phiếu có thể được giao dịch và giá cả giảm xuống đến ba chữ số thập phân. Chưa kể đến các chi phí hoa hồng và phân chia, các khoản thu mà các ngân hàng có thể thu được từ kinh doanh, đã được không thu hẹp trong cả những công việc kinh doanh đơn giản như giao dịch cổ phiếu hoặc hoán đổi tiền tệ. Do vậy, sức ép về lợi nhuận lại dồn về các nghiệp vụ phức tạp hơn như kinh doanh trái phiếu và chứng khoán phái sinh.

Môi trường này sẽ tạo ra cả người thắng và kẻ thua. Người hưởng lợi chính có thể là một số ít trong các ngân hàng toàn cầu, họ có thể gặt hái những lợi ích dựa trên tính quy mô và sự kết hợp giữa mô hình ngân hàng đầu tư với ngân hàng thương mại. Ngoài ra, các ngân hàng này được đặt ở những vị trí địa lý thuận lợi, giúp dễ hàng hơn trong tiếp cận với thị trường nội địa.

Người thắng nhiều khả năng sẽ là JPMorgan, đế chế đã thống trị thị trường vốn lớn nhất thế giới. Tiếp theo là Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư luôn khẳng định sự thống trị của mình trong các giao dịch và tạo nên danh tiếng nhờ việc thu hút được rất nhiều “cái đầu” thông minh trong ngành ngân hàng. Hai ứng cử viên xếp sau là Citigroup và HSBC, đều là các ngân hàng thương mại lớn và trong quá khứ đã từng rất khó khăn để cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên Citigroup và HSBC có được lợi thế từ mạng lưới toàn cầu lớn và mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng doanh nghiệp.

Các ngân hàng đầu tư Mỹ có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng.
Các ngân hàng đầu tư Mỹ có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng.

Tương lai của các đối thủ đến từ châu Âu lại tỏ ra bất ổn. Hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse đang chứng kiến quy mô tài sản bị thu hẹp và đang phải đối mặt với thử thách khó khăn khi trở nên nhỏ hơn và ít lợi nhuận hơn. Barclays và Deutsche Bank đã liên tục phát triển trong suốt các cuộc khủng hoảng, nhưng thị trường trong nước đều đang trải qua thời kì tăng trưởng yếu và việc mở rộng ra nước ngoài đang trở nên khó khăn hơn, trước sức bật của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực các thị trường mới nổi. Quy định mới ở Mỹ cũng sẽ làm cho cho các ngân hàng trong và ngoài nước khó khăn hơn.

Thời kì lợi nhuận cao nhất của các ngân hàng đầu tư đã thuộc về quá khứ

Điều này không có nghĩa doanh thu của ngành tài chính sẽ không phục hồi trở lại từ mức thấp hiện tại. Thị trường chứng khoán tăng cao đang thu hút các nhà đầu tư quay trở lại. Tuy nhiên, các khoản thu không có khả năng trở lại mức đỉnh trong tương lai gần và ROE hầu như không có cơ hội nhận được mức cao như trước khủng hoảng là 25% hoặc nhiều hơn. Quả thật, ngay cả mục tiêu khiêm tốn hơn của các ngân hàng là trả cổ tức 15-20% cho các cổ đông dường như cũng khó đạt được trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều các quy định mới ngày càng khắt khe hơn.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện