Thứ Ba | 15/07/2014 14:36

Ngân hàng chung BRICS từ A đến Z

Bắt đầu từ đề xuất của Jim O'Neill, trải qua 2 năm đàm phán với nhiều trở ngại cuối cùng BRICS đã sẵn sàng để thành lập một ngân hàng chung.
Ý tưởng của Jim O'Neill

Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS đang diễn ra, một bài viết gần đây trên Wall Street Journal nhắc lại thời điểm ý định thành lập ngân hàng chung của khối đã được "nhen nhóm" từ cách đây 2 năm. Nhưng cụ thể, ý tưởng này đến từ chuyên gia kinh tế Jim O'Neill - người từng làm việc tại Goldman Sachs. Ông cho rằng, một ngân hàng chung sẽ một cách hữu dụng để đảm bảo cho tương lai không chỉ của riêng các nền kinh tế mới nổi hàng đầu, mà còn là của nền kinh tế toàn cầu.

Sau 2 năm "thai nghén" và trải qua nhiều lần đàm phán thất bại, cuối cùng 5 quốc gia BRICS đã thống nhất về việc thành lập ngân hàng chung của khối. Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Silouanov cho biết vào thứ 4 tuần trước rằng, các nhà lãnh đạo khối BRICS sẽ "ký tắt" hiệp định thành lập ngân hàng chung trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của khối diễn ra trong 2 ngày (15 và 16/7) tại Fortaleza (Brazil).

Tên gọi chính thức: Ngân hàng Phát triển mới

Ngân hàng chung của khối BRICS sẽ có tên là Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank). Bên cạnh đó, BRICS cũng sẽ thống nhất thành lập một nguồn quỹ dự trữ ngoại hối riêng hoạt động bổ sung cùng ngân hàng chung.

Nguồn vốn: Bao nhiêu và lấy từ đâu?

Cùng với số tiền bảo lãnh 40 tỷ USD, mỗi quốc gia thành viên BRICS sẽ đóng góp 2 tỷ USD trong vòng 7 năm bắt đầu từ năm nay, để xây dựng nguồn vốn ban đầu trị giá 50 tỷ USD cho ngân hàng chung. Trong tương lai, số vốn tiềm năng của ngân hàng có thể lên tới 100 tỷ USD.

Theo giáo sư Stephany Griffith-Jones của trường đại học Columbia, ước tính ngân hàng chung của khối BRICS có thể cho vay 34 triệu USD mỗi năm, thậm chí có thể hơn nếu có thêm sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân và các ngân hàng phát triển khác.

Ngoài ra, ngân hàng chung có thể mở rộng đối tượng thành viên tham gia đối với các quốc gia thuộc Liên Hợp Quốc miễn là phần vốn đóng góp của 5 quốc gia BRICS luôn phải trên 55%.

Quỹ dự trữ ngoại hối chung cũng có giá trị 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc sẽ quốc gia đóng góp nhiều nhất với 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ và Nga đóng góp 18 tỷ USD (mỗi quốc gia) và Nam Phi đóng góp ít nhất với 5 tỷ USD.

Mục tiêu hoạt động

Chức năng chính của Ngân hàng Phát triển mới là "huy động các nguồn lực tài trợ cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển bền vững trong các nền kinh tế thành viên BRICS, các nền kinh tế mới nổi khác và các quốc gia đang phát triển", theo tuyên bố trong hội nghị ngay liền trước.

Vì vậy, mục tiêu hoạt động của ngân hàng chung sẽ vì lợi ích của chính 5 nền kinh tế BRICS và cũng vì lợi ích của các nền kinh tế khác.

Lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng Phát triển mới sẽ tập trung xoay quanh việc phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia trong khối. Ngân hàng sẽ cho chính phủ vay tiền để chi tiêu cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như xây dựng nhà máy điện và mạng lưới cung cấp lưới điện, bến cảng, đường giao thông, mạng lưới viễn thông, hệ thống thoát nước,...

Mặc dù được công nhận là cần thiết, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ lo lắng khi có một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu với những gì có thể cung cấp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Theo thông tin trên website của WB, khoảng cách trên (tức lượng cầu chưa được đáp ứng) "ước tính khoảng 1000 tỷ USD đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình", bên cạnh đó "nhu cầu về cơ sở hạ tầng đang tiếp tục tăng tại các quốc gia phát triển". Hiện nay, tổng giá trị các khoản viện trợ nước ngoài cũng chỉ bù đắp được 40 - 60 tỷ USD trong tổng số gần 1000 tỷ USD đó.

Dẫu vậy, cơ sở hạ tầng không phải là mục đích duy nhất. Người ta còn thấy nhiều lợi ích khác từ ý tưởng thành lập một ngân hàng chung của các nền kinh tế mới nổi. Nhất là khi ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn nguyên trong tâm trí, một thảm họa đến từ một yếu tố không thể bỏ qua đó chính là tiền từ các nền kinh tế mới nổi đầu tư vào thị trường tài chính tại các quốc gia giàu có. Nhóm nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học, trong đó bao gồm Chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz đã khẳng định, ngân hàng BRICS là "một ý tưởng đã gặp thời". Họ cho rằng: "Một ngân hàng như vậy có thể đóng góp vai trò quan trọng trong tái cân bằng các nền kinh tế trên thế giới, bằng việc chuyển những khoản tiền tiết kiệm vất vả tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đến những nơi được sử dụng hiệu quả, hơn là để đầu tư vào các bong bóng trên thị trường bất động sản ở các nước phát triển".

IMF thu nhỏ

Bên cạnh đó, nguồn quỹ dự trữ ngoại hối chung cũng sẽ ra đời nhằm mục đích ổn định thị trường tiền tệ trước những cú sốc tài chính do sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Do vậy, quỹ dự trữ ngoại hối chung này còn được ví như một "IMF thu nhỏ".

Những biến động trên thị trường tài chính là rủi ro lớn không thể bỏ qua mà hồi tháng 5 năm ngoái, BRICS đã nhận một bài học lớn. Sau thông báo chỉ mang tính "đánh tiếng" của Chủ tịch Fed lúc bấy giờ - ông Ben Bernanke về khả năng có thể thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng, các nền kinh tế mới nổi đã chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn, khiến các ngân hàng trung ương phải can thiệp bằng lãi suất và làm hao tổn một lượng lớn dự trữ ngoại hối để duy trì tỷ giá.
Trụ sở chính sẽ được đặt ở đâu?

Vị trí đặt trụ sở chính của ngân hàng chung khối BRICS đang là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Cho đến nay, trước giờ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS, đây vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Nhưng dường như, chỉ có 2 sự lựa chọn: một là Thượng Hải (Trung Quốc) và hai là New Delhi (Ấn Độ). Câu hỏi trên không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đơn thuần của một trụ sở mà sâu xa hơn, quốc gia đặt trụ sở của ngân hàng chung sẽ nắm quyền chi phối lớn trong tương lai.

Không chỉ có địa điểm đặt trụ sở, chuyện ai sẽ trở thành giám đốc đầu tiên của ngân hàng mới cũng là câu hỏi khiến nhiều người tò mò. Tuy nhiên, câu trả lời chỉ có thể đến khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Điều chắc chắn đã biết trước lúc này là giám đốc của ngân hàng chung sẽ được thay thế luân phiên giữa 5 quốc gia thành viên sau mỗi nhiệm kỳ hoạt động trong 5 năm.

Phàn nàn về IMF và WB

Bên cạnh những mục tiêu hoạt động đã kể trên, việc hình thành một ngân hàng chung của các quốc gia mới nổi còn hướng tới mục đích cân bằng ảnh hưởng đối với hai định chế tài chính lớn là IMF và WB. Từ nhiều năm nay, các quốc gia đang phát triển luôn phàn nàn về quyền lực thiên lệch tại IMF và WB. Đó là điều khiến cho các lợi ích chính thường thuộc về các quốc gia phát triển và các nước giàu vẫn luôn có được tiếng nói lớn khi vị trí lãnh đạo tại WB luôn do Mỹ đề cử và IMF thường được lãnh đạo bởi một người đến từ châu Âu. Ở cả IMF và WB, dường như các quốc BRICS luôn phải đứng "bên lề".

Nguồn GAFIN/BBC, WSJ/Theo DVO


Sự kiện