Ngân hàng châu Phi: Mỏ vàng chưa được khai phá
Tuy nhiên, việc vội vã cho xây dựng hàng nghìn mạng lưới chi nhánh và đầu tư vào tăng trưởng khiến lợi nhuận trở thành một cụm từ quá ư xa xỉ đối với các ngân hàng châu Phi.
Các chuyên gia cho rằng sức quyến rũ lớn nhất của thị trường ngân hàng châu Phi nằm ở tiềm năng to lớn và hoàn toàn chưa được khai phá. Mặc dù đã xâm nhập vào lục địa 1 tỷ dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt của nhiều quốc gia trong châu lục, song ở nhiều nơi như Senegal hay Tanzania, người dân vẫn hầu như chưa có cơ hội được tiếp xúc với các ngân hàng.
Trải khắp khu vực châu phi cận Sahara, chỉ khoảng 1/4 người dân có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thống, trong khi chỉ 3% người dân sở hữu thẻ tín dụng.
Do đó, một trong những thách thức lớn nhất của các ngân hàng chính là tìm cách khai thác lợi nhuận từ phần dân số chưa được hưởng các dịch vụ tài chính.
Đa số các chủ ngân hàng ở châu Phi đều cho rằng khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của châu lục đạt mốc 10.000 USD, đó chính là lúc thị trường ngân hàng châu Phi cất cánh bay cao. Do đó, họ ra sức xây dựng các chi nhánh và mở thêm nhiều mạng lưới ngân hàng để kiếm lợi.
Các nhà kinh tế nhận định nếu có thể kết hợp việc mở rộng về quy mô với phổ biến công nghệ, chẳng hạn như MasterCard - loại công nghệ có thể giúp các ngân hàng châu Phi có mọi thứ để gia nhập lĩnh vực kinh doanh thẻ tín dụng - các ngân hàng châu Phi chắc chắn sẽ không thua kém bất kỳ đối thủ quốc tế nào.
Người đứng đầu chi nhánh châu Phi của ngân hàng Citigroup, ông Naveed Riaz, cho biết: "Công nghệ chính là nấc thang tốt nhất để các ngân hàng châu Phi san lấp khoảng cách. Ngày nay, không khó để sở hữu một chiếc thẻ tín dụng hay một nền tảng ngân hàng di động".
Trong một số khía cạnh, các ngân hàng châu Phi lại tỏ ra có lợi thế hơn các đối thủ quốc tế, dù ra đời muộn hơn, song họ lại có cơ hội sở hữu một hệ thống máy tính hoàn toàn mới và hiện đại, trong khi nhiều ngân hàng thế giới vẫn đang sử dụng những hệ thống tốn kém và lạc hậu từ thập niên 1960.
Nhà kinh tế Al-Noor Ramji thuộc công ty Misys ước tính các ngân hàng bán lẻ châu Phi có thể giảm chi phí xuống còn 30% doanh thu nhờ hệ thống máy vi tính hiện đại. Trong khi đó, đối với các ngân hàng ở những quốc gia phát triển, nếu họ có thể giảm chi phí trên doanh thu
xuống mức 50% đã là một thành công rất lớn.
Cho đến nay, những ngân hàng nhanh chóng áp dụng các tiến bộ công nghệ đã nhanh chóng trở thành những "đại gia" lớn ở châu Phi. Có thể kể đến như Ngân hàng Standard của Nam Phi, có chi nhánh tại 18 quốc gia trong khu vực. Ngân hàng Ecobank của Togo với chi nhánh đạt tại 32 quốc gia. Cuối cùng phải kể đến ngân hàng United Bank for Africa của Nigeria, hoạt động rộng khắp tại 19 quốc gia.
Cho đến nay, chiến lược kinh doanh chủ yếu của các ngân hàng châu Phi vẫn chủ yếu tập trung vào các hoạt động bán lẻ, trong đó họ nhận tiền gửi tại địa phương và thu hút khách hàng là các doanh nghiệp.
Trên giấy tờ, lợi nhuận từ hoạt động bán lẻ của ngân hàng là rất lớn. Biên lợi nhuận ròng của họ ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nigeria, lên tới 8% - cao gấp đôi so với các nước ở Nam Phi và cao gấp 4 lần so với phương Tây.
Tuy nhiên, để thu lời từ những doanh nghiệp giàu có của châu lục, các ngân hàng châu Phi thường chấp nhận mua lại một ngân hàng địa phương hoặc từ từ xây dựng một mạng lưới chi nhánh mới. Thông thường, các ngân hàng thường chọn cách thứ nhất bởi xây dựng một mạng lưới từ đầu là điều không hề đơn giản.
Cách tiếp cận thứ 3 là giúp chính phủ bán trái phiếu, qua đó tìm cách tiếp cận các doanh nghiệp lớn nhất ở quốc gia đó và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho họ. Điều này không những giúp các ngân hàng nhánh chóng tiếp cận thị trường mà còn giúp họ xây dựng một mạng lưới chi nhanh rộng lớn về mặt địa lý. Tuy nhiên, các tiếp cận này thường khá tốn kém và mạo hiểm, do đó chỉ có những ngân hàng quốc tế lớn nhất mới có thể áp dụng, chẳng hạn như Goldman Sachs, Morgan Stanley hay Deutsche Bank.
Mặc dù vậy, tiềm năng lợi nhuận của ngành ngân hàng châu Phi là rất lớn và chúng đáng để các ngân hàng chấp nhận mạo hiểm. Thậm chí, ngay bản thân các ngân hàng quốc tế cũng phải giành giật miếng mồi béo bở với các ngân hàng địa phương. Và khi "mỏ vàng" của châu Phi bộc lộ, người chiến thắng là những ngân hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Nguồn The Economist/Khampha