Ngân hàng châu Á tiếp tục khó khăn năm 2013
Điều đáng nói là, thông thường hai mô hình ngân hàng này thường không tham gia vào các thương vụ tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên do tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc đang chững lại nên các ngân hàng buộc phải tìm các cơ hội làm ăn mới.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Năm nay có thể sẽ là năm nhiều khó khăn cho tất cả các ngân hàng châu Á khi tăng trưởng kinh tế khu vực chậm lại.
Trong báo cáo mới đây, Morgan Stanley chỉ ra, thâm hụt tài khóa, thâm hụt tài khoản vãng lai tăng sẽ khiến chất lượng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Trung Quốc giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng nguồn tiền gửi, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và gây sức ép lãi suất.
Trước kia Trung Quốc luôn tìm cách giải quyết nhanh chóng các vấn đề của nền kinh tế và các ngân hàng của họ do đó có khả năng tăng các tài sản tốt, hạn chế tài sản xấu. Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế đang chững lại, tăng trưởng tín dụng quá mức đang gây ra những vấn đề đáng lo ngại cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc những năm gần đây.
Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại nữa của Trung Quốc là tình trạng tín dụng đen bùng nổ dưới dạng các sản phẩm quản lý tài sản của các công ty tín thác, dẫn đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Tại Nhật Bản, các ngân hàng thậm chí còn dễ tổn thương hơn. Nếu tân thủ tướng Shinzo Abe thành công trong việc đưa nền kinh tế lạm phát trở lại, lãi suất sẽ tăng và ngân hàng đối mặt với thua lỗ lớn do nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ.
Cho đến nay, nợ doanh nghiệp vẫn chưa đáng lo ngại ở Nhật Bản do lãi suất vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, năm ngoái, doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu rơi vào thời kỳ khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp trong ngành công nghệ điện tử do mất dần khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, lĩnh vực bán buôn cũng khó khăn, ví dụ như ngành vận tải biển. Tất nhiên, hệ thống ngân hàng ở đây cũng bị ảnh hưởng do hoặc cho những doanh nghiệp này vay, hoặc nắm giữ cổ phiếu của họ.
Tình hình ở Ấn Độ cũng không mấy sáng sủa hơn. Do thâm hụt tài khóa và thâm hụt tài khoản vãng lai tăng, nội tệ mất giá, Ấn Độ phải tận dụng nguồn vốn bên ngoài với chi phí đắt đỏ hơn. Tỷ lệ vốn cho vay trên tiền gửi của tất cả ngân hàng Ấn Độ đều vượt quá 100%. Đặc biệt một số ngân hàng quốc doanh đối mặt với rủi ro cao khi cấp vốn cho các dự án hạ tầng ít khả thi.
Trong khi các ngân hàng châu Á có thể tận dụng cơ hội thị trường khi đối thủ châu Âu rút đi, họ vẫn đối mặt với thách thức tái cơ cấu nguồn vốn để đưa rủi ro về mức thấp nhất, chi phí ít nhất.
Nguồn FT/Khampha