Nga xem xét cấp tị nạn cho cựu nhân viên CIA làm lộ thông tin tình báo Mỹ
Trong khi đó, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Duma quốc gia Nga, hay còn gọi là Hạ Viện Nga, Alexei Pushkov thì cho rằng việc chính phủ Nga chấp nhận yêu cầu tị nạn của Snowden - người được ví như ông chủ Wikileaks Julian Assange - có thể gây nên làn sóng kích động ở nước Mỹ.
"Sau khi hứa cho Snowden tị nạn, chính phủ Nga đang lên kế hoạch bảo vệ anh ta vì lý do chính trị. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có làn sóng kích động ở Mỹ", ông Pushkov cho biết. Ông cũng cho rằng việc cơ quan tình báo Mỹ tiến hành chương trình nghe lén điện thoại và giám sát hoạt động trên internet là vi phạm luật pháp của chính nước Mỹ.
Hôm 6/6, tờ Washington Post và The Guardian cho đăng tải thông tin cho rằng Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) đang điều hành một dự án tối mật mang tên PRISM. Dự án này yêu cầu các công ty internet phải cung cấp một lượng lớn dữ liệu của người dùng trực tuyến để phục vụ cho hoạt động tình báo.
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, chính phủ Mỹ đã mở một cuộc điều tra hình sự để tìm ra nguồn rò rỉ thông tin. Không lâu sau đó, Edward Snowden, một cựu nhân viên CIA, đã công khai đứng ra thừa nhận.
Trả lời phỏng vấn báo Washington Post và The Guardian sau khi đã trốn sang Hong Kong, cựu nhân viên CIA Edward Snowden, 29 tuổi, cho biết, anh đã suy nghĩ về vấn đề này rất lâu và rất khó khăn để đưa ra quyết định tiết lộ thông tin mặc dù biết chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả vì hành động của mình.
Snowden cũng cho biết Hong Kong là vùng lãnh thổ tôn trọng tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến, đó cũng chính là lý do anh lựa chọn Hong Kong là nơi tị nạn.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong lại có thỏa thuận dẫn độ với Mỹ do đó Snowden hoàn toàn có khả năng bị đưa về Mỹ nếu chính quyền Washington yêu cầu.
Nguồn WSJ/Dân Việt