Thứ Năm | 15/05/2014 11:35

Nga và Ukraine bị hạ thấp triển vọng tăng trưởng

Bế tắc địa chính trị giữa Nga và Ukraine gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của hai nước và đe dọa đến sự phục hồi của khu vực đông Âu.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 của các nước từng theo chế độ cộng sản tại khu vực Đông Âu và thuộc Liên Xô cũ cùng với Thổ Nhĩ Kỳ từ 2,8% trong tháng 1 xuống 1,3%.

EBRD được thành lập năm 1991 nhằm hỗ trợ các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Hiện nay, EBRD hoạt động tại 29 quốc gia Trung và Đông Âu, các nước khu vực ngoại Kavkaz và Trung Á.



Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine là nước bị hạ thấp dự báo tăng trưởng mạnh nhất. EBRD cho rằng, nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 7% trái ngược với dự báo hồi tháng 1 cho rằng, kinh tế sẽ tăng trưởng ở 1,5%. Trong khi đó, EBRD lại đưa ra kịch bản không tăng trưởng đối với Nga khi hạ thấp tăng trưởng của nước này xuống 0 từ mức dự báo 2,5% trước đó.

Tuy nhiên, theo EBRD, nếu phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính khắc nghiệt hơn thì Nga sẽ rơi vào suy thoái, còn Ukraine sẽ tiếp tục tụt dốc thảm hại. Khi đó, nền kinh tế của khu vực đông Âu sẽ gần như không tăng trưởng trong giai đoạn 2014 -2015, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

EBRD dự báo, tăng trưởng trung bình trong năm 20114 của 34 nước thành viên, bao gồm cả Ai Cập, Jordan, Morocco và Tunisia, giảm xuống 1,4% từ mức dự báo trong tháng 1 là 2,7%.

Những căng thẳng chính trị không mong muốn giữa Nga và Ukraine cũng làm lu mờ tác động tích cực từ xu hướng phục hồi tại khu vực đồng euro.

EBRD nhận định, cuộc khủng hoảng này khiến niềm tin của giới đầu tư đối với Nga suy giảm trầm trọng, thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi Nga tăng cao và kéo giảm hoạt động đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Ukraine phải đối mặt với đợt điều chỉnh cơ cấu lớn nhằm giảm sự mất cân bằng giữa nguồn lực bên ngoài và nguồn tài chính trong nước. Đây là điều kiện của chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 27 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp cho Ukraine.

EBRD phân tích, cuộc khủng hoảng giữa Nga - Ukraine đã làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư, khiến những doanh nghiệp có liên hệ trực tiếp với các tổ chức hoặc cá nhân của Nga khó tiếp cận với nguồn vốn; đồng thời, kéo giảm lượng kiều hối từ Nga sang các nền kinh tế láng giềng nhỏ hơn. Nguy cơ phương Tây sẽ áp dụng lệnh trừng phạt tài chính với Nga vốn đang làm gián đoạn các giao dịch xuyên biên giới.

EBRD nhận định, ngoài các nước có đường biên giới chung với Nga và Ukraine, hậu quả của cuộc khủng hoảng này cũng ảnh hưởng đến một số nền kinh tế tại khu vực trung và đông nam châu Âu, đặc biệt là 3 nước trong vùng biển Baltic là những nước có quan hệ giao thương và đầu tư với Nga và Ukraine.

EBRD đang thúc giục các nước từng theo chủ nghĩa cộng sản thực hiện lại cải cách cơ cấu sau nhiều năm ngưng trệ do khủng hoảng tài chính.

Nguồn Theo DVO/ FT


Sự kiện