Trạm không gian quốc tế. Ảnh: Getty Images.

 
Mỹ Quyên Thứ Sáu | 29/07/2022 11:34

Nga tuyên bố rút khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế và tự xây trạm riêng

Nga sẽ ngừng đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào đầu năm 2024 và sẽ phát triển một trạm của riêng mình.

Ông Yuri Borisov, Tân Giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, đưa ra thông tin vào ngày 26/7 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì xung đột ở Ukraine, chỉ vài ngày sau khi NASA và cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đồng ý một thỏa thuận, cho phép các phi hành gia Nga ghé thăm ISS bằng con tàu Dragon của SpaceX.

"Chúng tôi đang làm việc trong khuôn khổ hợp tác quốc tế tại Trạm vũ trụ Quốc tế. Tất nhiên, chúng tôi sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình với đối tác, nhưng quyết định rời trạm đã được đưa ra và sẽ được xúc tiến sau năm 2024.” ông Yuri nói. Ông cũng đưa ra ý tưởng về Trạm dịch vụ quỹ đạo của Nga (ROSS), có thể sẵn sàng vào năm 2025.

Giới chuyên gia cho rằng ISS sẽ gặp nhiều khó khăn khi hoạt động mà không có người Nga. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và các đối tác được kỳ vọng sẽ tiếp tục vận hành trạm vũ trụ này tới năm 2030.

ISS từ lâu là một biểu tượng của hợp tác quốc tế sau chiến tranh lạnh nhân danh khoa học và cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng giữa Mỹ và Nga.

Phản ứng trước thông tin này, các quan chức NASA cho biết chưa nghe được trực tiếp từ những người đồng cấp Nga. Giám đốc NASA, ông Bill Nelson đã phát đi thông cáo nói rằng NASA “cam kết đảm bảo hoạt động an toàn” của ISS tới năm 2030 và tiếp tục xây dựng “các khả năng trong tương lai để đảm bảo sự hiện diện của chúng ta ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp”.

Một tên lửa SpaceX Falcon 9 đưua các phi hành gia của tàu Dragon lên Trạm vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA.
Một tên lửa SpaceX Falcon 9 đưa các phi hành gia của tàu Dragon lên Trạm vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA.

Về Trạm dịch vụ quỹ đạo của Nga (ROSS), chi phí có thể cũng là một vấn đề khi công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỉ phú Elon Musk giờ đây đang đưa các phi hành gia của NASA ra vào ISS, khiến cơ quan vũ trụ của Nga mất đi một nguồn thu nhập lớn. Nhiều năm qua, NASA đã phải trả hàng chục triệu USD mỗi chỗ ngồi lên trạm vũ trụ quốc tế trên các tên lửa Soyuz của Nga.

ISS được đồng vận hành bởi Nga, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Phần đầu tiên của trạm này được đưa vào quỹ đạo năm 1998 và nơi này liên tục có người sinh sống trong suốt gần 22 năm qua. ISS được sử dụng để tiến hành nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực và thử nghiệm công nghệ cho các chuyến hành trình lên Mặt Trăng và Sao Hỏa trong tương lai.

ISS thường có một đội gồm 7 người sinh sống trong nhiều tháng trong khi trạm này quay ở quỹ đạo trên Trái Đát 420 km. Ở thời điểm hiện tại, nhóm này có 3 người Nga, 3 người Mỹ và 1 người Italy.

Trạm vũ trụ trị giá hơn 100 tỉ USD này có chiều dài bằng một sân bóng đá và gồm hai phần chính. Một phần do Nga điều hành, phần còn lại thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và các quốc gia khác. Hiện vẫn chưa rõ sẽ phải làm gì để phần do Nga vận hành tiếp tục hoạt động an toàn sau khi nước này rút khỏi.

Có thể bạn quan tâm: 

Fed tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ hai liên tiếp

Nguồn Forbes