Theo sắc lệnh, tất cả các tù và mặt hàng có xuất xứ từ Triều tiên đều phải được kiểm tra trước khi được phép cập cảng ở Nga. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Nga cũng bị cấm mua bán trao đổi hàng hóa với Triều Tiên hoặc tiến hành bất kỳ giao dịch tài chính nào có liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Bên cạnh đó, Nga sẽ được quyền cấm máy bay Triều Tiên hạ cánh xuống lãnh thổ hoặc sân bay nước này nếu có nghi ngờ về hàng hóa được vận chuyển là bất hợp pháp. Đặc biệt, các ngân hàng Triều Tiên bị cấm hoạt động ở Nga hoặc hợp tác với các định chế tài chính nước này.
Sắc lệnh cũng cảnh báo giới chức Nga nên "đề cao cảnh giác" đối với các nhà ngoại giao từ Triều Tiên.
Trước đó, ngày 13/11, Tổng thống Nga Putin đã có chuyến thăm đến Hàn Quốc để thúc đẩy dự án xây dựng một tuyến đường thương mại nối châu Á với châu Âu bằng đường sắt, đi qua cả Triều Tiên.
Nga đã thực hiện bước đi đầu tiên hồi tháng 9 khi hoàn thành tuyến đường sắt dài 54 km từ thị trấn biên tới Khasan ở miền đông nam Nga tới cảng Rajin của Triều Tiên.
Tọa lạc tại vùng đông bắc giáp giới với cả Nga và Trung Quốc, Rajin là một cảng quan trọng đối với cả hai người láng giềng khổng lồ của Triều Tiên.
Ông Putin mong muốn tuyến đường sắt mở rộng ra khắp Triều Tiên và nối với cảng Busan ở phía nam Hàn Quốc.
Các nguồn tin báo chí cho hay Nga muốn Hàn Quốc nắm 34% cổ phần của dự án, Mátxcơva nắm 36% và Bình Nhưỡng giữ 30%.
Nhưng ông Andrei Lankov, một chuyên gia Nga về Triều Tiên và hiện đang giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul, tỏ ra hoài nghi về dự án do sự không ổn định trong mối quan hệ liên Triều và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Ý tưởng có vẻ hoàn hảo xét từ góc độ kinh tế và thương mại. Nhưng dự án sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và các công ty sẽ mạo hiểm với sự đầu tư lớn đó với Triều Tiên trong tình hình hiện nay", ông Lankov nói.