Nga tính bán vàng để có ngoại tệ nhập hàng hóa
Ngày 5/11, bà Kseniya Yudaeva, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, tuyên bố sẽ bán vàng trong dự trữ ngoại hối để có ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Từ tháng 9/2012 tới nay, Nga đã âm thầm gom mua vàng cho dự trữ ngoại hối của mình. Đến tháng 10 vừa qua, dự trữ vàng của nước này đã đạt mức 1.149,8 tấn, cao nhất từ năm 1993.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) mà trang Business Insider đưa ra, Nga đã vượt qua cả Thụy Sỹ và Trung Quốc để trở thành quốc gia sở hữu dự trữ vàng lớn thứ sáu trên thế giới. Tăng nắm giữ vàng là một phần trong chiến lược của Nga nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối hiện ở mức 439 tỷ USD của nước này vốn chủ yếu là USD và Euro.
Một vấn đề mà Nga đang phải đối mặt là nước này có thể gặp khó khăn trong việc có đủ ngoại tệ cho nhập khẩu do tỷ giá đồng Rúp lao dốc mạnh, các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, và nền kinh tế mấp mé miệng hố suy thoái.
Dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm mạnh từ mức 509 tỷ USD vào thời điểm đầu năm nay xuống còn 439 tỷ USD vào ngày 24/10 do Ngân hàng Trung ương nước này phải liên tục bán ngoại tệ để mua vào đồng Rúp nhằm ngăn đà lao dốc của đồng nội tệ.
Điều này dẫn tới những lo ngại rằng, nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục duy trì và dự trữ ngoại hối của Nga giảm sâu hơn, khả năng việc nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu của nước này sẽ bị đe dọa.
Tháng trước, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga và hiện là Chủ tịch Ủy ban Sáng kiến dân sự của nước này, ông Alexei Kudrin, đã lên tiếng cảnh báo trên tờ nhật báo Kommersant rằng, dự trữ ngoại hối còn lại của Nga có thể chỉ đủ đáp ứng cho 6 tháng nhập khẩu ở mức giá cả hiện tại.
Kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng của Nga tương đương khoảng một nửa mức dự trữ ngoại hối hiện nay của nước này. Tuy nhiên, nếu Nga phải dùng tới dự trữ ngoại hối để đáp ứng các khoản chi của Chính phủ, thì số dự trữ còn lại chỉ đủ cho nhập khẩu trong khoảng 6 tháng.
Mức dự trữ đủ cho 6 tháng nhập khẩu được xem là mức đáng lo ngại để bảo vệ người dân Nga trước nguy cơ cuộc sống của họ rơi vào khó khăn, trong trường hợp khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn và nguồn hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cạn kiệt.
Cần lưu ý rằng, Nga nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng tiêu dùng như bơ, pho mát và thịt.
Với việc dự trữ ngoại hối của Nga ngày càng giảm, thì mức nhập khẩu 6 tháng thậm chí cũng không được đảm bảo. Bởi vậy, có thể đây là lý do khiến Ngân hàng Trung ương Nga cân nhắc bán vàng để có ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu.
Không may cho Nga, đây lại đúng là lúc giá vàng quốc tế lao dốc mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 5/11, giá vàng đã rớt xuống mức 1.140 USD/oz thấp nhất trong 4 năm rưỡi.
Càng “đen” hơn cho Nga khi giá dầu thô, mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, đã rớt xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng, trong khi Nga cần mức giá dầu 90 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí đóng góp khoảng một nửa ngân sách liên bang Nga và chiếm 10% GDP của nước này.
Theo dự kiến, Bộ Tài chính Nga sẽ đề xuất cắt giảm chi tiêu khoảng 10% trong thời gian từ năm 2015-2018. Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Anton Siluanov nói rằng, Chính phủ có thể sẽ phải mang dự trữ ngoại hối ra dùng mới đủ cho các cam kết chi tiêu.
“Dự trữ không phải là bất tận và tình hình kinh tế tồi tệ hiện nay có thể xấu đi thêm”, ông Siluanov phát biểu.
Nguồn VnEconomy