Nga siết tín dụng vì lệnh trừng phạt của Phương Tây
Xét tất cả các lĩnh vực, các khoản vay hợp vốn của doanh nghiệp Nga chỉ đạt 6,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, giảm đáng kể so với 26,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg.
Quý II/2014, doanh số bán trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp Nga giảm mạnh xuống 3,4 tỷ USD so với 15,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
HSBC và các ngân hàng nước ngoài khác đã rút khỏi một số thương vụ tại Nga do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cáo buộc Nga đang tiếp tay làm gia tăng bạo lực tại Ukraine và tăng cường trừng phạt đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tháng 6, HSBC và Lloyds đã rút khoản vay hỗ trợ cho thương vụ cung ứng dầu giữa công ty BP của Anh và Rosneft của Nga do giám đốc điều hành của Rosneft nằm trong danh sách trừng phạt.
EU và Mỹ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt mới với cáo buộc Nga đang kích động tình trạng bất ổn tại Đông Ukraine sau khi sáp nhập Crimea. Hiện nay, Mỹ đang thảo luận các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào công nghệ khai thác dầu và lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Nga. Ngày 9/7, Chính phủ các nước EU đã nhất trí bổ sung 11 nhân vật vào danh sách đối tượng bị phong tỏa tài khoản và cấm đi lại do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
EU cũng đang xem xét cắt giảm vốn tài trợ dự án mới mà Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (EBRD) cùng Ngân hàng đầu tư châu Âu từng cam kết với Nga, hai quan chức chính phủ EU cho biết.
Nga từng nhận 1,8 tỷ euro (2,45 tỷ USD) vốn đầu tư từ EBRD chỉ trong năm 2013. Các doanh nghiệp Nga sẽ phải thanh toán 191 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2014, tương đương khoảng 9,6% GDP cả nước.
Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu cho thấy, hoạt động cho vay có thể phục hồi. Lợi suất trái phiếu Nga đáo hạn vào tháng 4/2020 đã giảm về mức trước khủng hoảng tài chính. Một số doanh nghiệp Nga cũng đã trở lại thị trường nợ quốc tế, điển hình là Ngân hàng Gazprombank và Sberbank vừa phát hành thành công trái phiếu euro trong tháng 6.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg