Nga sản xuất hàng loạt tên lửa chống mọi radar
Các máy bay chiến đấu phải có tên lửa loại này để tấn công vào trạm radar của đối phương, nếu không thì lực lượng không quân không thể thực hiện nhiệm vụ áp chế hệ thống phòng không đối phương, tức là, tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất.
Không quân Nga đã sử dụng thành công các tên lửa như vậy trong cuộc chiến với Gruzia vào năm 2008. Vào ngày 9/8/2008, ngày thứ 2 của cuộc chiến, chiếc máy bay ném bom Su-34 (loại máy bay mới nhất của Nga) đã phóng tên lửa Kh-31 xuống trạm radar chính của Gruzia ở khu vực Gori. Sau khi phá hủy trạm này, toàn bộ hệ thống phòng không của Gruzia đã ngừng hoạt động, và điều đó góp phần bảo đảm thắng lợi của Nga.
Hồi cuối thập niên 80 thế kỷ trước, tên lửa Kh-31 đã được đưa vào sản xuất hàng loạt và đây là tên lửa hàng không đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ "dòng thẳng" (ramjet). Kết quả là, tên lửa này có khả năng bay ở độ cao thấp với tốc độ gấp đôi âm thanh.
Nhờ đó, tên lửa Kh-31 gần như bất khả chiến bại trước hệ thống phòng không của đối phương. Tên lửa Kh-31P có độ bắn xa hơn 110 km. Ngoài việc thủ tiêu các hệ thống radar trên mặt đất, tên lửa cũng có thể được sử dụng để bắn vào các tàu chiến với trạm radar.
Vào thập niên 90 thế kỷ trước, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc tên lửa Kh-31P. Sau đó Trung Quốc bắt đầu sản xuất phiên bản của tên lửa này theo giấy phép của Nga, được gọi là Ying Ji 91(YJ-91). Trước đó, Trung Quốc cũng đã cố gắng chế tạo tên lửa chống radar của riêng mình, nhưng không thành công.
Hệ thống mới được sản xuất theo giấy phép của Nga đã trở thành loại vũ khí chính của không quân Trung Quốc, được thiết kế để áp chế phòng không của đối phương. Vì mục đích tương tự Trung Quốc đã thiết kế chế tạo các loại máy bay đặc biệt, ví dụ, máy bay tiêm kích J-8IIG. Tên lửa này có thể được sử dụng trên nhiều loại máy bay của lực lượng không quân và không quân của hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc đã thực hiện những cuộc nghiên cứu để cải thiện tên lửa YJ-91 như gia tăng tầm bắn. Theo một số dữ liệu, tên lửa mới của Trung Quốc có tầm bắn vượt quá 150 km. Ngoài ra, Trung Quốc cố gắng tăng tốc độ của tên lửa và đã chế tạo phiên bản riêng chống tàu chiến (Nga không cung cấp cho Trung Quốc tên lửa chống tàu Kh-31A).
Theo lời giám đốc Tổng công ty "Tên lửa chiến thuật" Boris Obnosov, khác với Kh-31P, tên lửa mới của Nga có thể bay xa hơn. Điều quan trọng hơn là, thay cho ba loại đầu đạn cần thiết để bắn vào các loại radar khác nhau, Kh-31PD có một đầu tự dẫn vạn năng. Như vậy, một tên lửa có thể được sử dụng chống tất cả các loại radar mà không cần thay đổi hoặc cài đặt thêm.
Nguồn VOV News