Thứ Sáu | 03/08/2012 17:41

Nga: Ông Annan từ chức mở đường cho can thiệp quân sự vào Syria

Quyết định từ chức của phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập Kofi Annan cho thấy giải pháp ngoại giao ở Syria không được tuân thủ.
"Ông Annan là một đặc phái viên hòa giải quốc tế trung thực, nhưng rõ ràng là có ai đó đã buộc ông phải từ bỏ sứ mệnh để mở đường cho các hành động can thiệp quân sự", thứ trưởng ngoại giao Nga Gennady Gatilov hôm nay 3/8 cho biết.

Thứ trưởng Gatilov cũng cảnh báo rằng quyết định của ông Annan đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai cuộc khủng hoảng kéo dài 17 tháng ở Syria.

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng con đường hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao - được nêu ra trong kế hoạch 6 điểm của đặc phái viên Annan đã không được tuân thủ. Tuy nhiên, giải pháp nãy vẫn là hy vọng tốt nhất đối với người dân Syria, tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết.

Tổng thư ký Ban Ki-moon ngày 2/8 thông báo ông Kofi Annan quyết định rút khỏi cương vị đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập (AL), nhiệm vụ mà vị cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc này nắm giữ từ ngày 23/2 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Annan đã đưa ra kế hoạch hòa bình 6 điểm đối với vấn đề Syria bằng cách kêu gọi thu hồi vũ khí hạng nặng và rút quân khỏi các khu vực dân cư, kêu gọi chính phủ và phe đối lập đình chiến để tiến hành đối thoại. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được các bên tuân thủ.

Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arập cho biết ông từ chức vì không nhận được sự hỗ trợ xứng đáng và hy vọng người tiền nhiệm sẽ may mắn hơn.

Trong một bài xã luận được công bố trên trang Financial Times, ông Annan cho rằng: "Nga, Trung Quốc và Iran cần nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo Syria tiến hành quá trình chính trị" và "tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức".

Ông Kofi Annan cũng cho rằng các cường quốc phương Tây, Ảrập Xêút và Qatar phải "tăng sức ép buộc phe đối lập thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị hoàn toàn".

Quyết định ra đi của đặc phái viên Annan diễn ra trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria tiếp tục leo thang với những lo ngại đang ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trước quyết định từ chức của ông Annan, đại sứ Vitaly Churkin của Nga tại Liên Hợp Quốc trong cuộc phỏng vấn của các phóng viên ở New York đã chỉ trích các cường quốc phương Tây và cho rằng việc phản đối của các cường quốc này về "những đề xuất hợp lý và công bằng" tại Hội đồng Bảo an từ đầu đã làm suy yếu nỗ lực hòa bình của ông Annan.

Ngược lại, Mỹ và các nước phương Tây cho rằng sự ra đi của đặc phái viên Kofi Annan là do Nga và Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết chống lại nỗ lực thông qua dự thảo của Liên Hợp Quốc nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chế độ của tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nguồn Tân Hoa Xã/DVT


Sự kiện