Nga lung lay thêm những mắt xích yếu nhất của EU
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí địa phương, Đại sứ Tây Ban Nha tại Nga Jose Ignacio Carbajal cho biết chính phủ Madrid đang lên kế hoạch ban hành chế độ miễn thị thực đối với công dân Nga, bất chấp tình hình chính trị căng thẳng giữa phương Tây với Moscow, liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
“Mặc dù tình hình chính trị chưa có dấu hiệu cải thiện… việc duy trì hay miễn thị thực không có có ý nghĩa hoặc liên quan đến cuộc khủng hoảng,” ông Carbajal cho biết.
Đại sứ nói thêm rằng thị thực cho công dân Nga hiện chiếm gần 40% tổng số visa do Liên minh châu Âu phát hành, và 2/3 của số đó thuộc về Tây Ban Nha. Nhà ngoại giao nhận định chế độ thị thực chỉ có ích nếu mối đe dọa an ninh quốc gia xảy ra, trong khi Tây Ban Nha “không có vấn đề di cư bất hợp pháp” từ Nga, nên không phải lo lắng về điều này.
Mặc dù trong những năm qua, các dự án chung giữa Moscow và Madrid chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình chính trị căng thẳng và khủng hoảng kinh tế, có hy vọng rằng mối quan hệ giữa hai bên sẽ sớm bình thường hóa và các kế hoạch trước đó được phục hồi.
Với Tây Ban Nha, việc tăng cường các mối quan hệ của Nga với các nước Mỹ Latinh cũng mang lại nhiều lợi ích cho Madrid, và chính quyền Tây Ban Nha kỳ vọng vào sự phát triển này.
Ông Carbajal nói: “Tất cả các khoản đầu tư tại Mỹ Latinh là có lợi cho Madrid bởi vì chúng ta là một trong những quốc gia châu Âu quan tâm nhất đến sự phát triển của khu vực. Quá trình phục hồi kinh tế của Tây Ban Nha đạt được một phần là do các khoản đầu tư từ các công ty của nước này tại Mỹ Latinh.”
Trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và các nước trong khu vực, Moscow đã gia tăng hợp tác đáng kể về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác với các nước Mỹ Latinh và Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, sự phát triển quan hệ của Nga cũng ảnh hưởng nhất định đến nhiều quốc gia châu Âu khác tham gia đầu tư tại các khu vực này.
Bài học của Hy Lạp rồi sẽ đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha?
Trước việc Tây Ban Nha đang gia tăng hợp tác với Nga có thể cho thấy Madrid đang bước trên con đường của Hy Lạp trước đó. Trong suốt thời gian kể từ khi khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nổ ra vào cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp vẫn luôn nằm gần hoặc ở chính giữa “tâm bão”.
Đây là nước đầu tiên nhận được gói cứu trợ vào tháng 5/2010, là chủ đề của vô số cuộc tranh luận, thậm chí lặp đi lặp lại về khả năng một nước phải rời khỏi khối đồng tiền chung hồi năm 2011 và 2012.
Trên thực tế, số tiền Hy Lạp nợ các nước đối tác trong khu vực chỉ tương đương với một tỷ lệ nhỏ so với tổng sức mạnh của kinh tế Eurozone, chỉ tương đương 4% mức chi ngân sách của các nước Eurozone trong năm 2013. Song nhiều nhà phân tích đã chứng minh rằng dù Hy Lạp có "xù nợ" cũng không phải là mấu chốt của vấn đề.
Nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone trong khi nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng trì trệ sẽ như giọt nước làm tràn ly. Đáng lo ngại nhất sẽ là sự tháo chạy của dòng vốn. Các nhà đầu tư sẽ không thể an tâm rằng kinh tế Eurozone vẫn ổn định, lãi suất có thể tăng và sau đó là chi phí đi vay.
Trong khi đó, hiện không chỉ Hy Lạp đối diện với nguy cơ vỡ nợ, mà còn có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy... Chi phí vay mượn tăng cùng với đầu tư giảm sút sẽ là sự cản trở đối với những nỗ lực phục hồi tăng trưởng.
Cả EU đang đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có việc chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở khu vực, khủng hoảng ở Ukraine tác động lớn đến EU, đặc biệt là cuộc chiến kinh tế với nước Nga.
Hy Lạp đang ngả sang Nga
Vừa qua tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã sang thăm Nga trong 2 ngày 8 và 9 tháng 4. Ông đã tuyên bố rằng, 2 nước có mối quan hệ sâu sắc vì cuộc đấu tranh chung, cũng như vì những giá trị tinh thần truyền thống chung. Và mối quan hệ này vẫn được 2 dân tộc gìn giữ, bất kể những hoàn cảnh khác nhau.
Theo thông tin trước đó, Thủ tướng Hy Lạp vả Tổng thống Nga sẽ thảo luận về các biện pháp tăng kim ngạch thương mại hai nước. Theo ông Vladimir Putin, trong giai đoạn 2009-2013, kim ngạch hàng hóa đã tăng gấp đôi, tuy nhiên trong năm vừa qua đã giảm xuống gần 40%.
Các phương tiện truyền thông châu Âu coi chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hy Lạp - đại diện tiêu biểu cho trường phái “chống thắt lưng buộc bụng” - là một hành động “thiếu khôn ngoan”. Thậm chí đại diện của Liên minh châu Âu đã lên tiếng “đe dọa” nước này chớ có dựa dẫm vào Nga để đối đầu với EU.
Theo một trong những phán đoán của truyền thông phương Tây, Thủ tướng Hy Lạp và tổng thống Nga có thể đã thỏa thuận về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nhập khẩu trái cây của nước này. Một giả thuyết khác là Hy Lạp dự định đề nghị Nga viện trợ kinh tế.
Trong chuyến đi đến Moscow dự hội nghị quốc tế về vấn đề an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos ngày 15-4 cũng tuyên bố, nước này sẽ huy động “mọi nỗ lực” để hủy bỏ biện pháp trừng phạt chống Nga của Liên minh châu Âu.
Theo đánh giá của ông, hiện tại đang mở ra "những triển vọng mới dành cho hợp tác song phương" của các nước, tuy nhiên tiến trình này bị cản trở bởi biện pháp trừng phạt của EU nhằm chống Nga.
Bộ trưởng Kammenos đưa ra cam kết, " chúng tôi sẽ huy động mọi nỗ lực để hủy bỏ những hạn chế đó".
Giới quan sát cho rằng, sở dĩ Hy Lạp thẳng thừng từ chối các điều khoản thỏa thuận với châu Âu và mạnh miệng bảo vệ Nga là do những khoản lợi khổng lồ mà nước này sẽ nhận được từ Moscow và Bắc Kinh nếu ly khai châu Âu, trong đó có những khoản vay với điều kiện ưu đãi.
Nguồn Báo Đất Việt