Thứ Hai | 20/10/2014 11:43

Nga không thể trụ quá 2 năm nếu giá dầu tiếp tục giảm

Nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga chỉ có thể chống chịu trong khoảng 2 năm nữa.
Mặc dù kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ nhưng với lượng dầu dự trữ vốn có và kế hoạch thả nổi nội tệ, Nga có thể giảm nhẹ cú sốc khi giá dầu xuống thấp. Với mức giá 80-90 USD/thùng, thì Nga có thể chống đỡ được trong khoảng 2 năm. Còn về dài hạn, đây sẽ là thách thức lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Giá dầu giảm 25% chỉ trong 3 tháng qua rõ ràng là một cú sốc mạnh đối với chính phủ Nga bởi trong bản dự thảo ngân sách 2015-2017 mới đây, Nga giả định, giá dầu ở mức 100 USD/thùng với tăng trưởng GDP đạt 2,6% hàng năm.

Dầu và khí đốt chiếm khoảng 1/2 thu nhập ngân sách của Nga nên khi giá dầu giảm xuống còn 80 USD/thùng sẽ gây thâm hụt ngân sách, tương đương 2% GDP.

Nếu không có sự kiện Nga sáp nhập Crimea và khủng hoảng tại Ukraine thì đây sẽ không phải là vấn đề quá lớn đối với nước này. Bởi Nga vẫn có thể vay vốn nước ngoài, và thậm chí các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cũng có thể tái cấp vốn các khoản nợ này. Còn trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt như hiện nay, con số 2% này lại là một vấn đề khá lớn.

Nói vậy không có nghĩa là Nga sẽ cạn sạch tiền trước khi kết thúc năm 2017. Ngân hàng trung ương Nga từng cam kết sẽ thả nổi tỷ giá ngoại hối. Khi đó, giá dầu giảm sẽ kéo đồng ruble giảm theo và giúp cả nền kinh tế và ngân sách của chính phủ vượt qua cú sốc. Những khoản đầu tư của chính phủ Nga chủ yếu bằng nội tệ nên nếu ruble tiếp tục giảm, ngân sách chính phủ có thể sẽ cân bằng hơn bất chấp giá dầu giảm xuống 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp ông Putin giải quyết vấn đề thực sự của Nga. Đó là tình trạng tăng trưởng trì trệ, đặc biệt là thu nhập thực tế. Dòng vốn liên tục chảy ra khiến đầu tư suy giảm và kết quả là kinh tế sẽ tăng trưởng yếu ớt trong những năm tới. Ở một khía cạnh khác, ngân hàng trung ương Nga đang nỗ lực đạt mục tiêu lạm phát, nhưng tình trạng trượt giá của ruble gần đây lại kéo giảm sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa.

Mặc dù chính phủ Nga khá lạc quan về tình hình kinh tế trong năm tới với dự báo tăng trưởng 2% nhưng theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường và tổ chức quốc tế thì GDP của Nga chỉ có thể tăng trưởng khoảng 0,5%.

Khác với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 khi chính phủ Nga vẫn có thể xoay sở khi giá dầu xuống còn 40-50 USD/thùng thì đến nay, ông Putin phải lựa chọn hoặc cắt giảm chi tiêu và công khai thừa nhận không thể thực hiện lời hứa của năm 2012 hoặc tăng thuế - biện pháp này có thể sẽ khiến môi trường đầu tư và tăng trưởng kinh tế càng dễ bị tổn thương hơn.

Nguồn Theo DVO/ Financial Times


Sự kiện