Nga "khát" ngoại tệ đến mức nào?
Khi giá dầu tăng, Nga tích lũy được một lượng lớn ngoại tệ mạnh mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều mơ tới. Chỉ cách đây 1 năm, lượng dự trữ ngoại hối mà NHTW Nga nắm giữ ở mức trên 515 tỷ USD. Trong số đó có hàng chục tỷ USD thu được từ xuất khẩu năng lượng và sau đó được bơm vào hai quỹ tài sản quốc gia lớn để mua trái phiếu do chính phủ nước ngoài phát hành cũng như nhiều tài sản nước ngoài khác.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, số ngoại tệ dự trữ ấy đang dần mai một. Trong năm qua, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm gần 20%, xuống dưới mức 419 tỷ USD. NHTW Nga đã chi hàng tỷ USD trong nỗ lực ổn định đồng ruble, trong khi điện Kremlin bắt đầu sử dụng số tiền trong các quỹ tài sản quốc gia để giải cứu các ngân hàng và công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận sẽ phải lấy khoảng 10 tỷ USD khỏi một trong hai quỹ này để bù đắp lỗ hổng ngân sách 2015. Và, trong bài phát biểu hôm 4/12, Tổng thống Putin đã đề cập đến khả năng phải sử dụng đến quỹ lương hưu quốc gia để “triển khai chương trình tái cấu trúc các ngân hàng nội địa hàng đầu”.
419 tỷ USD là nguồn dự trữ khổng lồ. Chỉ có 4 quốc gia (Nhật Bản, Trung Quốc, Saudi Arabia và Thụy Sĩ) có lượng dự trữ cao hơn Nga. Tuy nhiên, nhu cầu tiền mặt của Moscow đang tăng không ngừng nghỉ.
Với giá dầu ở mức thấp nhất 5 năm và nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái, Nga không thể dễ dàng bù đắp lỗ hổng dự trữ ngoại hối. Nga cũng phải tìm cách trả các khoản nợ sắp đến ngày đáo hạn trong khi không thể tiếp cận thị trường vốn phương Tây vì cấm vận. Ví dụ, “ông lớn” dầu mỏ của Nga là Rosneft đã kêu gọi chính phủ bơm 44 tỷ USD để vượt qua khó khăn. Chính phủ cũng “nhòm ngó” kho dự trữ ngoại hối bởi ngân sách năm 2015 được đưa ra dựa trên giả định giá dầu ở mức 100 USD/thùng, trong khi hiện tại giá đã xuống dưới mức 70 USD.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, người đã tham gia thành lập hai quỹ nói trên, mới đây đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng hiện nay. Dùng tiền của quỹ để tài trợ cho một công ty dầu mỏ như Rosneft là đi ngược lại mục tiêu của quỹ: đảm bảo rằng các cú sốc về giá dầu không gây nguy hiểm cho hệ thống lương hưu.
Các định chế tài chính bao gồm ngân hàng VTB Bank và Gazprombank đã nhận được hơn 7 tỷ USD từ quỹ Wellbeing Fund nhưng từng đó vẫn là chưa đủ. Quỹ này sẽ mua cổ phần của các ngân hàng và đổi lại họ được bơm vốn.
Theo Timothy Ash, chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Standard Bank, NHTW Nga có thể vào cuộc với các biện pháp hỗ trợ bổ sung. Một trong những lý do khiến NHTW Nga giảm mức độ thường xuyên can thiệp vào thị trường trong thời gian gần đây là do cơ quan này đang “bảo tồn nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng theo cách này”, ông nói.
Dòng vốn tư nhân tháo chạy khỏi Nga cũng khiến áp lực tăng lên. Lượng vốn ròng bị rút ra khỏi Nga kể từ đầu năm đến nay đã chạm mốc 125 tỷ USD, cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Về phần mình, điện Kremlin đã yêu cầu các công ty xuất khẩu trực thuộc nhà nước – như Rosneft – đổi doanh thu ngoại tệ của họ sang ruble. Tổng thống Putin từng nói ông không có kế hoạch áp đặt các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy và đó sẽ là lựa chọn cuối cùng có thể khiến nhà đầu tư tiềm năng lo sợ.
Nguồn CafeF/Infonet