Chủ Nhật | 13/07/2014 08:24

Nga dọa dùng vũ khí hạt nhân giữ Crimea

Trước tuyên bố của Ukraine sẽ đòi lại Crimea, Nga đã úp mở khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lập trường của Ukraine

Ngày 7/6, tỷ phú Ukraine Petro Poroshenko tuyên thệ nhậm chức để trở thành Tổng thống thứ 5 của Ukraine kể từ khi nước này tách ra khỏi Liên bang Xô viết. Trong diễn văn nhậm chức, ông Poroshenko đã đưa ra thông điệp cứng rắn nhằm vào Nga khi khẳng định không chấp nhận hành động của Nga thôn tính Crimea hồi tháng 3/2014 đồng thời sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề xích lại gần hơn với châu Âu.

Tỷ phú 48 tuổi nhấn mạnh cần thiết phải có một Ukraine thống nhất và tầm quan trọng của việc chấm dứt cuộc xung đột đang đe dọa làm tan rã quốc gia 45 triệu dân này. Ông Poroshenko nói không thể để Ukraine trở thành một nhà nước liên bang lỏng lẻo, như Nga mong muốn.

Ông Poroshenko và Tổng thống Nga Putin gặp nhau tại Pháp hôm 6/6
Ông Poroshenko và Tổng thống Nga Putin gặp nhau tại Pháp hôm 6/6.

Ông Poroshenko thẳng thừng cho rằng: "Người dân Ukraine sẽ không bao giờ cảm thấy được hòa bình nếu chúng ta chưa giải quyết được mối quan hệ với Nga. Nga đã chiếm khu vực Crimea, nơi đã, đang và sẽ là đất của Ukraine".

Ngày 3/7, sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Thượng tướng Valeriy Heletey cũng cam kết trước Quốc hội rằng ông sẽ nỗ lực giành lại Crimea từ Nga. Ông Heletey cam kết sẽ làm việc ngày đêm để khôi phục khả năng quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông Heletey nói: "Hãy tin tôi, sẽ có một cuộc diễu binh mừng chiến thắng - chắc chắn sẽ có sự kiện như vậy tại Sevastopol của Ukraine".

Đe dọa từ Moscow

Phản ứng trước những tuyên bố của giới chức Kiev về vấn đề Crimea, giới chức Moscow đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ không kém, trong đó có ám chỉ tới khả năng sử dụng sức mạnh quân sự và cả vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 10/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Nếu nói đến chuyện xâm lược lãnh thổ Nga, trong đó có Crimea và Sevastopol, thì tôi sẽ không khuyên bất cứ ai làm điều đó. Chúng tôi có học thuyết an ninh quốc gia, trong đó quy định rất rõ ràng những hành động sẽ được thực hiện trong trường hợp này".

Giới phân tích cho rằng phát biểu của ông Lavrov đã ám chỉ tới khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để quyết giữ Crimea.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander của Nga
Tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander của Nga.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, năng lực quân sự thông thường của Nga đã yếu đi đáng kể và nước này ngày càng phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia. Điều này đã được phản ánh trong các học thuyết quân sự thời Chiến tranh Lạnh của Nga, đặc biệt là những học thuyết được xây dựng sau năm 2000. Những học thuyết quân sự này đã giảm bớt những thủ tục cần phải thông qua trước khi Nga sẽ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý nhất, các học thuyết quân sự của Nga từ năm 2000 đã đưa ra các khái niệm làm giảm leo thang căng thẳng bằng việc sử dụng sức mạnh hạt nhân buộc đối phương chấp nhận trở lại hiện trạng trước đó. Nói cách khác, các học thuyết quân sự của Nga nói rằng Moskva sẽ sử dụng các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế để đáp trả các cuộc tấn công quân sự thông thường chống lại nước này.

Ví dụ, học thuyết quân sự mới nhất của Nga, được công bố năm 2010, viết: "Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại họ và (hoặc) các đồng minh của họ, và trong cả trường hợp xâm lược chống lại Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường, nếu sự tồn vong của nước này bị đe dọa".

Đây chính là học thuyết quân sự được Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đề cập đến tại buổi họp báo ngày 10/7. Cũng tại buổi họp báo, ông Lavrov nhấn mạnh rằng Moskva coi Crimea như một phần lãnh thổ của Nga. Liên kết hai mệnh đề này lại, tức là Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để giữ Crimea!

Nga từng nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế.
Nga từng nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế.

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Nga mang hạt nhân ra răn đe các nước láng giềng.

Ví dụ, vào năm 2011, khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và một số quốc gia thuộc Liên Xô và Khối Warszawa trước đây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga,Tướng Nikolai Makarov, đã cảnh báo trước quốc hội Nga rằng khả năng xung đột vũ trang cục bộ trên hầu khắp biên giới của Nga đã tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, ông này không thể loại trừ trường hợp “các cuộc xung đột vũ trang địa phương và khu vực có thể phát triển thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, thậm chí có thể có sự tham gia của vũ khí hạt nhân”.

Để gia tăng trọng lượng của lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, kể từ năm 2000, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên, trong đó một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế đã được mô phỏng. Những cuộc tập trận này ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong nhiều trường hợp, Tổng thống Vladimir Putin đã trực tiếp ra lệnh tập dượt các cuộc tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, bất chấp sự suy yếu của Ukraine và sự răn đe từ phía Nga, Crimea sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề gai góc trong quan hệ giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ này.

Xin trích dẫn ý kiến của một chuyên gia Nga để có thể thấy rằng ngay cả người Nga cũng cảm nhận rõ điều này. Chuyên gia quân sự Nga Igor Kozyi được dẫn lời trên “Báo Độc lập” của Nga cho rằng dù vấn đề Ukraine có được giải quyết như thế nào và trong bao lâu đi chăng nữa thì sẽ có một giai đoạn thứ ba, đó là không một người Ukraine nào, cũng như Tổng thống Poroshenko, có thể quên được Crimea. Vấn đề chắc chắn sẽ lại được xới lên, dù sớm hay muộn.

Nguồn Đất Việt


Sự kiện