Thứ Năm | 10/04/2014 23:01

Nga bị tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu

Các nghị sĩ của Nga tại Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu hôm nay chính thức bị tước quyền bỏ phiếu và loại trừ khỏi vị trí lãnh đạo.
000-par3744691-si-5974-1397140244.jpg

Một cuộc họp tại Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu. Ảnh: AFP

Tại cuộc họp ở thành phố Strasbourg, Pháp, trụ sở của Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE), các nghị sĩ tiến hành bỏ phiếu thông qua việc tước quyền bỏ phiếu của các nghị sĩ Nga kể từ nay cho đến hết năm 2014. Quyết định nhận được 145 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 22 phiếu trắng.

RT cho hay, các thành viên trong phái đoàn của Nga cũng sẽ bị tước quyền khỏi vị trí lãnh đạo. Quyền tham dự các nhiệm vụ chung với vai trò quan sát viên của Nga tại PACE cũng bị đình chỉ.

"Việc tước quyền bỏ phiếu là một hành động cảnh cáo rõ ràng đến Tổng thống Vladimir Putin và chế độ của ông ấy", AFP dẫn lời Michael Aastrup Jensen, một nghị sĩ của Đan Mạch, cho biết.

Theo trưởng phái đoàn Nga Aleksey Pushkov, đây là sự vi phạm trắng trợn đến các quyền của Nga. Các nghị sĩ Nga cũng lên tiếng tẩy chay cuộc tranh luận về giải pháp có nên trừng phạt Nga vì đã sáp nhập Crimea hay không, đồng thời mô tả hành động của PACE là một "trò hề".

Chia sẻ trên tài khoản Twitter, ông Pushkov nói: "mối quan hệ giữa Nga và PACE là sự khủng hoảng sâu sắc nhất trong lịch sử. Quyết định được đưa ra giống như chúng xuất phát từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không phải từ một tổ chức thành lập vì mục tiêu đoàn kết, thống nhất châu Âu. Đây là một thành công lớn của cái gọi là tiêu chuẩn kép".

Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu là một cơ quan không có quyền lập pháp, nhưng có đặc trách thúc đẩy các hoạt động hợp tác về nhân quyền và dân chủ giữa các quốc gia châu Âu. Ủy ban gồm các nhà lập pháp từ quốc hội của 47 nước thành viên, trong đó có 18 nghị sĩ Nga và 12 nghị sĩ Ukraine.

Nga bắt đầu tham gia vào tổ chức này từ năm 1996. Tháng 4/2000, Nga từng bị tước quyền bỏ phiếu vì vấn đề liên quan đến hoạt động khủng bố ở Chechnya. Tháng 1/2001, quyền bỏ phiếu được trao trả lại cho phái đoàn Nga.

Nguồn Vnexpress.net


Sự kiện