Nga bất ngờ ngừng mua ngoại tệ dự trữ
Việc mua ngoại tệ được dừng vào ngày 28/7 do “thị trường nội tệ ngày càng biến động mạnh”, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) cho biết trên website hôm thứ Tư 29/7. Theo CBR, việc mua ngoại tệ hôm thứ Hai 27/7 giảm xuống 160 triệu USD từ 200 triệu USD/ngày trong tuần trước. Ngay sau thông báo này, rúp tăng 1,4% so với USD, trước khi đà tăng chững lại.
Lúc 13h14 tại Moscow, rúp tăng 0,9% so với USD lên 59,4660 rúp/USD.
Động thái bất ngờ này của CBR nhằm tạo tiền đề cho các nhà hoạch định chính sách nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ sau khi rúp tiếp tục giảm giá gây khó khăn cho việc hạ chi phí đi vay. Các biện pháp can thiệp, cùng với đà sụt giảm của giá dầu, đã khiến đồng nội tệ của Nga giảm hơn 17% kể từ khi CBR bắt đầu đẩy mạnh việc tăng dự trữ ngoại hối từ giữa tháng 5.
Ivan Tchakarov, nhà kinh tế học tại Citigroup ở Moscow, cho biết, CBR lo ngại rằng đồng rúp giảm giá có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu lạm phát. Với quyết định tạm dừng mua ngoại tệ, Ngân hàng trung ương Nga sẽ cảm thấy “thoải mái hơn” để tiến hành giảm lãi suất trong phiên họp vào thứ Sáu tới.
CBR có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm xuống 11% trong phiên họp ngày 31/7, theo dự đoán của 25 trong số 34 nhà phân tích trong khảo sát Bloomberg. Tính đến thời điểm hiện tại của năm, CBR đã giảm lãi suất tổng cộng 5,5 điểm phần trăm sau khi tăng khẩn cấp hồi tháng 12 năm ngoái.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết để đối phó với tình trạng suy thoái lần đầu tiên trong 6 năm qua trong bối cảnh giá dầu thô lao dốc cộng với việc Mỹ và phương Tây áp đặt đòn trừng phạt. Việc rúp rớt giá thảm hại trong năm 2014, tồi tệ nhất kể từ năm 1998, đã đẩy lạm phát của Nga tăng nhanh nhất trong 13 năm qua, kéo giảm nhu cầu tiêu dùng - trụ cột giúp hồi phục kinh tế của nga kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
CBR - sau khi thả nổi rúp trong năm 2014 - đã mua vào khoảng 10 tỷ USD kể từ khi tái khởi động việc mua ngoại tệ hôm 13/5.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg