Nga bác bỏ bằng chứng của Ukraine về MH17
Hình ảnh vệ tinh mà Kiev đưa ra nhằm chứng minh họ không triển khai hệ thống tên lửa quanh hiện trường thảm họa MH17, có sự thay đổi mốc thời gian và chụp sau vụ việc nhiều ngày, cơ quan thông tin Bộ Quốc phòng Nga vừa tiết lộ.
"Đó là kiệt tác mới nhất của Ukraine, một nỗ lực nhằm né tránh mọi trách nhiệm", RT dẫn tuyên bố của bộ nói. "Hình ảnh Kiev khẳng định chụp từ vệ tinh đều không phải của Ukraine cũng như không có tính xác thực".
Bộ Quốc phòng Nga nghi ngờ vệ tinh do thám KeyHole của Mỹ thực hiện chúng. Lý do là tại thời điểm ghi trong ảnh, hai vệ tinh Sich-1 và Sich-2 của Ukraine trong quỹ đạo không nằm trên vùng Donetsk, nơi máy bay rơi.
Thêm vào đó, thời tiết và điều kiện ánh sáng không trùng khớp với ngày Ukraine công bố chúng được chụp. Ít nhất một trong các bức ảnh có dấu hiệu bị can thiệp bởi chương trình xử lý đồ họa.
So sánh hai bức ảnh khác, thời tiết trong hình của Nga nhiều mây mù trong khi của Ukraine lại là ngày đẹp trời. Điều này cho thấy chúng không cách nhau chỉ một giờ như mốc thời gian thể hiện. Theo quân đội Nga, có thể kiểm chứng thông tin này dễ dàng từ một nguồn độc lập.
Mặt khác, nhiều bức ảnh của Ukraine còn bị làm giảm chất lượng. "Rõ ràng đó là lý do vì sao chủ nhân thật sự của các bức hình không dám công bố chúng dưới tên mình. Nó sẽ hủy hoại huyền thoại về tính hoàn hảo của hệ thống giám sát không gian của quốc gia đó", Bộ Quốc phòng Nga ám chỉ Mỹ.
Chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 bị tại miền đông Ukraine làm 298 người thiệt mạng. Nhiều nguồn tin cho rằng phi cơ bị tên lửa bắn hạ. Tuy nhiên, loại tên lửa và bên khai hỏa vẫn chưa được làm rõ.
Kiev và phương Tây đổ lỗi cho quân ly khai và Nga trong vụ việc với lý do Ukraine không có khả năng bắn rơi máy bay. Bộ Quốc phòng Nga sau đó công bố hình ảnh vệ tinh và radar chứng minh Ukraine có hệ thống tên lửa đất đối không cần thiết cũng như lực lượng quân đội đủ khả năng để bắn hạ máy bay. Vài ngày sau, Kiev lại đưa ra hình ảnh của mình chứng minh Nga đã sai lầm.
Nguồn Vnexpress