Nga - Mỹ lại căng thẳng vì vấn đề gián điệp
Ngoài ra, nhà ngoại giao này còn mang theo một bức thư, trong đó hứa hẹn tặng trước 100.000 USD, cùng 1 triệu USD mỗi năm và các khoản phụ thưởng đối với các thông tin hữu ích nhằm thuyết phục nhân viên Nga chấp nhận hợp tác lâu dài.
Vụ diễn ra vào thời điểm vô cùng khó xử cho cả Washington và Matxcơva khi cả 2 đều đang cố cải thiện quan hệ ngoại giao và hợp tác giải quyết một loạt các vấn đề quốc tế, đặc biệt là tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế cho các bên tham chiến trong nội chiến Syria.
Ngay hôm nay, Nga đã cho triệu tập đại sứ Mỹ Michael McFaul để thảo luận về vụ việc, đồng thời tuyên bố trục xuất nhà ngoại giao Mỹ về nước. Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell khẳng định vụ việc không ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Mỹ, cũng như kế hoạch xây dựng hòa bình tại Syria mà 2 bên đã cam kết.
Hơn 2 thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song quan hệ Nga - Mỹ dường như chưa bao giờ nồng ấm và các vụ bê bối gián điệp hay liên quan đến gián điệp 2 nước đã trở nên quá quen thuộc.
Trong số các vụ bê bối gián điệp nổi tiếng giữa Nga và Mỹ, có thể kể đến vụ việc xảy ra vào cuối năm 2010, khi 10 điệp viên Nga, trong đó có Anna Chapman, bị cơ quan chức năng Mỹ bắt giữ và trục xuất để đổi lấy 4 công dân bị Nga giam giữ cùng vì tội gián điệp cho phương Tây.
Năm ngoái, chính phủ Nga cũng tuyên bố trục xuất Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ khỏi đất nước với cáo buộc tổ chức này cố tình thực hiện các hoạt động tình báo nhằm gây mất ổn định chính trị ở Nga. Matxcơva cũng cáo buộc Washington đứng sau nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), hỗ trợ và điều khiển các tổ chức này nhằm mục tiêu can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Nga thực hiện những hoạt động tình báo chống lại Washington. Mới đây, Washington còn tỏ ra hoài nghi sự liên quan của Nga trong vụ đánh bom khủng bố giải chạy Marathon Boston, do 2 anh em Tamerlan và Dzkhokhar Tsarnaev thực hiện. Theo cảnh sát Mỹ, anh em nhà Tsarnaev là người dân tộc Chechnya và từng sinh sống ở vùng Caucasus của Nga.
Nguồn WSJ, Reuters/Dân Việt