Nếu USD tăng thêm 10%...
Cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu do Bank of America Merrill Lynch thực hiện cho thấy hầu hết các nhà đầu tư đều tin rằng Mỹ sẽ trải qua thời gian tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát cao hơn và lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn. Nhưng đồng USD mạnh lên một lần nữa trở thành mối đe dọa đối với các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Và nếu USD tăng thêm 10%, theo dự báo của Macroeconomic Advisers, cả nền kinh tế Mỹ, chứ không chỉ ở khu vực sản xuất, hay xuất khẩu, sẽ rúng động.
Đồng USD đã tăng mạnh trong 2 năm qua và đang tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới trong 14 năm qua theo sau sự kiện đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chắc chắn, đồng USD mạnh lên là dấu hiệu cho thấy niềm lạc quan gia tăng đối với nền kinh tế Mỹ khi thị trường chứng khoán nước này liên tục đạt các đỉnh cao mới. Viễn cảnh lạm phát cao hơn và lãi suất gia tăng đã khuyến khích làn sóng đầu tư vào các tài sản Mỹ, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về các mức sinh lợi tốt hơn.
Đồng USD mạnh lên cũng giúp cải thiện sức mua của người dân Mỹ. Bởi lẽ, hàng nhập khẩu rẻ hơn có nghĩa là người tiêu dùng sẽ dư dả tiền hơn để chi tiêu. Điều đó sẽ giúp gia tăng doanh số bán lẻ, một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và càng củng cố niềm tin vào nền kinh tế số 1 thế giới.
Tuy nhiên, trong khi đồng USD tăng là tin vui cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, hàng hóa thì lại là tin xấu cho các nhà sản xuất Mỹ, vốn phụ thuộc vào doanh số bán ở thị trường nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và tìm cách cắt giảm chi phí. 3M Co. và United Technologies Corp. cho biết đồng USD mạnh hơn có thể khiến họ khó lòng gia tăng doanh số bán trong năm 2017. Kaman Corp., nhà sản xuất phụ tùng máy bay, đã chứng kiến giá cả của các đối thủ châu Âu giảm xuống nhờ đồng EUR hạ giá so với USD. Để cạnh tranh, Kaman đã đầu tư vào cơ sở vật chất tại Đức và thâu tóm một công ty có cơ sở hoạt động tại Cộng hòa Séc. “Sản xuất ở Mỹ đã trở nên thách thức hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự kiến”, Neal Keating, CEO của Kaman, nhận xét.
Một số đại lý của hãng xe mô tô Harley-Davidson và hãng sản xuất máy móc công trình Caterpillar vất vả chống đỡ trước sức mạnh gia tăng của các đối thủ Nhật, vốn đang tận dụng sự suy yếu của đồng yen so với USD để cạnh tranh về giá. Caterpillar thừa nhận đồng yen yếu so với USD đã khiến cho cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Harley từ chối bình luận.
Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết những cam kết của ông Trump trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh có thể giúp chống đỡ trước một đồng USD mạnh hơn, đặc biệt nếu chính phủ mới thực hiện các biện pháp giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Họ kỳ vọng kế hoạch đại tu hạ tầng của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và doanh số bán cao hơn ở thị trường nội địa sẽ có thể bù đắp vào sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu. Vì lý do này, Mike Haberman, Chủ tịch nhà sản xuất thiết bị xây dựng Gradall Industries Inc., cho biết: “Tôi không quá lo ngại về đồng USD”. 20% sản phẩm của Gradall được xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong khi đó, Jerry Johnson, Chủ tịch bộ phận nông nghiệp, trang trại của Blount International Inc., nhà sản xuất các sản phẩm ngoài trời, cho rằng USD mạnh hơn có thể bù đắp nhờ giá nhập khẩu giảm. Khoảng 50% linh kiện, phụ tùng sử dụng trong các sản phẩm của Blount được nhập từ nước ngoài, theo Johnson.
Đồng USD đã tăng mạnh trong 2 năm qua và liên tục đạt các mức kỷ lục mới. Ảnh: economist.com |
Đồng USD tương đối yếu so với hầu hết các đồng tiền chính trên thế giới trong 1 thập niên qua. Điều đó đã giúp cho hàng xuất khẩu Mỹ phục hồi nhanh chóng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đến cuối năm 2010, xuất khẩu đã đạt các mức kỷ lục và tiếp tục tăng mạnh, lên tới 598 tỉ USD mỗi quý trong năm 2014. Tình hình tuyển dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất cũng bắt đầu khởi sắc và niềm lạc quan vào thời đại phục hưng ở Mỹ cũng được củng cố.
Thế nhưng, kể từ đó, USD đã tăng rất mạnh so với các đồng tiền khác đặc biệt là đồng yen và EUR. Trong khi đó, đồng bảng Anh lại giảm theo sau sự kiện Brexit (quyết định rời EU của Anh) vào tháng 6.2016. Đầu tháng 12 vừa qua, FED lại tăng lãi suất và dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Chỉ số WSJ Dollar Index, vốn theo dõi đồng USD so với 16 đồng tiền khác, trong tuần gần cuối tháng 12.2016 đã đạt mức cao trong 14 năm.
Lợi suất trái phiếu cũng đang tăng lên do kỳ vọng về lạm phát và tăng trưởng cao hơn dưới thời trị vì của chính quyền Donald Trump. Nhưng đồng USD leo thang có thể khiến cho những chính sách của ông Trump gặp nhiều trở ngại.
Đối với một số doanh nghiệp, USD mạnh hơn có thể làm cho họ bớt mặn mà với kế hoạch mở rộng sản xuất trong nước. Mặt khác, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong 8 năm qua có thể khiến các nhà sản xuất Mỹ quyết định giữ lại nhà máy ở nước này, thay vì theo chân các doanh nghiệp khác đưa một số hoạt động sản xuất quay trở lại Mỹ.
Đồng peso của Mexico đã giảm 13% so với USD kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đưa Mexico trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, khuyến khích các nhà máy Mỹ Nam tiến về phía bên kia biên giới, mặc dù ông Trump tuyên bố sẽ trừng phạt những doanh nghiệp chuyển việc làm ra nước ngoài.
Cuối tháng 12 vừa qua, Emerson Electric cho biết đồng USD mạnh đã khiến lượng đơn hàng sụt giảm thêm 2 điểm phần trăm trong giai đoạn từ tháng 9 đến hết tháng 11.2016. Tính chung, đơn hàng đã giảm 7%. Boeing cũng thừa nhận hiện “các cơ hội kinh doanh đã ít hơn và môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn”. Hãng máy bay này dự tính cắt giảm thêm nhân sự tại bộ phận máy bay thương mại trong năm 2017 sau khi đã cắt giảm 8% lao động vào năm 2016 (Boeing không đề cập đến chuyện biến động tỉ giá).
Không chỉ vậy, nhiều nhà sản xuất khác cũng đã bắt đầu sa thải nhân công. Lao động trong khu vực sản xuất đã giảm 51.000 người từ tháng 1.2015 cho đến hết tháng 11.2016, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ.
Ben Herzon, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Macroeconomic Advisers, đã thực hiện một cuộc mô phỏng cho tờ Wall Street Journal để minh họa làm thế nào việc đồng USD tăng thêm 10% sẽ tạo sóng gió trên khắp nền kinh tế Mỹ. Trong vòng 3 năm tới, các công ty sẽ từ từ điều chỉnh nhằm thích ứng với tình hình mới bằng cách gia tăng công suất tại các nhà máy nước ngoài (bên cạnh các biện pháp khác), trong khi giảm công suất ở thị trường nội địa, thay đổi chuỗi cung ứng hoặc gia tăng mức độ tự động hóa tại các nhà máy.
Nếu USD không tăng mạnh hơn, GDP (đã điều chỉnh lạm phát) sẽ tăng tổng cộng 6,3% trong vòng 3 năm tới. Còn nếu USD mạnh thêm 10%, tốc độ tăng trưởng này sẽ thấp hơn 1,8 điểm phần trăm, tức chỉ còn 4,5%, theo mô phỏng của Macroeconomic Advisers.
Nỗi đau đến từ việc đồng USD tăng thêm 10% sẽ thấy rõ nhất ở khu vực sản xuất. Sản xuất sẽ thấp hơn 3,6% do USD mạnh; nhập khẩu (đã điều chỉnh lạm phát) sẽ cao hơn 3,6% và xuất khẩu của Mỹ sang các nước khác sẽ thấp hơn 6,2%.
Ban đầu, người tiêu dùng Mỹ sẽ vui mừng vì chi số tiền ít hơn khi mua hàng nhập khẩu. Đồng USD tăng thì “tốt cho người tiêu dùng, miễn là họ vẫn còn công ăn việc làm”, Herzon nói. Nhưng qua thời gian, họ sẽ không còn hào hứng nữa khi việc làm bị bốc hơi trong khu vực sản xuất, ông nói thêm.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ/The Economist