Nếu Trung Quốc hắt hơi...
Các nhà đầu tư từ lâu lo ngại những cơn hắt hơi của Mỹ, biết rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể khiến cả thế giới bị cảm lạnh. Tại châu Á, họ lo ngại chứng viêm mũi của Trung Quốc, cũng đang cho thấy có khả năng lây lan ra xung quanh. Đối với các nhà nghiên cứu “bệnh dịch tài chính”, đây là vấn đề khó giải đáp. Không giống như Mỹ, vốn liên thông rộng rãi với các thị trường toàn cầu thì nền kinh tế Trung Quốc ít nhiều “cách ly” với thế giới bên ngoài khi được bảo vệ bởi các biện pháp kiểm soát vốn, nhằm hạn chế sự liên thông giữa Trung Quốc với những nước khác.
Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các thị trường chứng khoán châu Á giờ mạnh mẽ chẳng kém gì Mỹ. Hai báo cáo gần đây, một từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho thấy “sức công phá” của nước này trong suốt thập niên vừa qua.
IMF ước tính mức độ tương thông giữa thị trường chứng khoán Trung Quốc với thị trường tại các nước châu Á khác đã tăng lên hơn 0,3 kể từ tháng 6 năm ngoái, gấp đôi mức trước thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (1 là con số “lý tưởng” theo thước đo này). Con số này vẫn dưới mức 0,4 giữa Mỹ và châu Á, nhưng khoảng cách đang rút ngắn rất nhanh. Theo BIS, cổ phiếu châu Á “đung đưa” theo những biến đổi tại thị trường chứng khoán Trung Quốc với mức độ sát sao cao hơn khoảng 60% kể từ cuộc khủng hoảng.
Các nhà đầu tư đều biết rằng các vấn đề của Trung Quốc có thể lan khắp các thị trường châu Á và toàn cầu. Khi giá cổ phiếu Trung Quốc sụp đổ vào mùa hè vừa qua và vào đầu năm nay, thì cổ phiếu ở hầu hết những thị trường khác cũng rơi rụng. Và khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ 2% vào tháng 8.2015, đồng tiền của các thị trường mới nổi khác cũng giảm theo. Theo khám phá của IMF, mức độ tương quan giữa các đồng tiền châu Á với nhân dân tệ giờ cao hơn 0,2, gấp đôi mức trước thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính.
Cả báo cáo của IMF và BIS đều cho rằng sức nặng của nền kinh tế Trung Quốc chính là động lực chủ yếu đằng sau những mức tương thông tăng lên này. Số liệu cho thấy các nền kinh tế châu Á có mối quan hệ giao thương gắn khít nhất với Trung Quốc là bị tác động nặng nề nhất khi thị trường nước này biến động. Các nhà đầu tư tại đó có xu hướng nắm giữ cổ phiếu ở những công ty xuất nhiều hàng hóa sang Trung Quốc. Và hoàn toàn có thể hiểu được vì sao họ lại lo sợ khi đà suy giảm của thị trường chứng khoán cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề. Và sự giảm giá nhân dân tệ cùng với dấu hiệu xanh xao của nền kinh tế khiến cho những ai ở Trung Quốc sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn khi mua hàng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, giao thương không phải là mối ràng buộc duy nhất. Các mối liên kết tài chính giờ chiếm khoảng 2/5 trong mức tương thông giữa Trung Quốc với các thị trường châu Á khác, tăng từ con số gần như 0 trước thời điểm năm 2008.
Mặc cho những biện pháp kiểm soát vốn, Trung Quốc đã mở cửa những kênh mà cho phép các nhà đầu tư mua cổ phiếu của họ và hoặc cho vay cho những doanh nghiệp nước họ. Những khoản đầu tư nước ngoài này có thể tương đối khiêm tốn khi so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nhưng xét ở con số tuyệt đối thì không hề nhỏ. Các khoản nắm giữ nước ngoài đối với cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc giờ trị giá khoảng 2.000 tỉ USD, cao hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào khác.
Khi các biện pháp kiểm soát vốn được nới lỏng hơn, những mối dây liên kết tài chính này sẽ càng thắt chặt hơn. Hiện tại, thị trường trái phiếu Trung Quốc tồn tại trong vũ trụ của chính mình. Khi nhân dân tệ trở thành đồng tiền cơ sở trong hoạt động carry trade, lãi suất Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến mức lãi suất trên khắp châu Á.
Xét ở khía cạnh nào đó, theo BIS, mối ràng buộc chặt hơn tại châu Á có thể là tin vui. Vì điều đó có thể giảm được tác động bởi các cú sốc từ bên ngoài khu vực. Những năm gần đây, các thị trường trên toàn cầu có xu hướng di chuyển cùng một hướng, khiến cho các nhà đầu tư khó lòng áp dụng chiến lược đa dạng hóa. Khi việc sở hữu chéo “sinh sôi nảy nở” ở châu Á mà Trung Quốc là trọng tâm, có một khả năng thực sự rằng các chu kỳ tài chính của châu Á sẽ tìm thấy quỹ đạo của riêng mình, tự động tách rời khỏi quỹ đạo của thế giới. Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ có những lúc hắt hơi. Nếu may mắn, các nước này sẽ “cảm lạnh” vào những thời điểm khác nhau.
Đàm Hoa
Nguồn The Economist