Nếu Trump thành tổng thống: Ác mộng của châu Á
Theo một bản khảo sát các nhà đầu tư được tập đoàn Nomura Holdings thực hiện hồi đầu tháng 7, hầu hết những người được khảo sát đều lo lắng về khả năng Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ.
Rob Subbaraman, tác giả bản khảo sát, nhận định: “Việc Trump trở thành tổng thống sẽ gây phương hại tới tăng trưởng GDP của châu Á, và về lâu dài có thể làm tăng mạnh lạm phát, gây sụt giảm thặng dư thương mại và xáo trộn chính sách vĩ mô”.
Trong bản khảo sát mang tên “Trumping Asia”, 77% nhà đầu tư được khảo sát cho rằng nếu Trump trở thành tổng thống, ông ta sẽ sớm quy cho Trung Quốc là đang có hành vi thao túng tiền tệ, và 75% tin rằng Trump sẽ đánh thuế nặng lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật.
Hơn 32% các nhà đầu tư cho rằng châu Á sẽ thiệt hại nặng nhất từ các chính sách của Trump. Ảnh: Bloomberg |
Đây là một nỗi sợ rất có cơ sở. Châu Á là trung tâm sản xuất của cả thế giới và nhiều nước châu Á phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu, dẫn tới nhiều rủi ro nếu các hàng rào thương mại được dựng lên bởi Trump. Trong năm ngoái, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, và nếu có nhiều rào cản được áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, ảnh hưởng phụ lên các nước châu Á còn lại sẽ rất đáng kể.
Trong số đó, 2 nước chịu nhiều rủi ro nhất từ Trump là Hàn Quốc và Philippines. Trump đã chỉ trích việc chính phủ Mỹ ký kết hiệp định tự do thương mại (FTA) với Hàn Quốc hồi năm 2012, cho rằng hiệp định này làm gần 100.000 người Mỹ mất việc. Ngoài ra, ông ta còn muốn Hàn Quốc phải thanh toán hết các chi phí an ninh của lực lượng quân Mỹ đồn trú ở nước này, tạo ra gánh nặng rất lớn về mặt tài chính.
Các đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Mỹ (tính theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu). Ảnh: Bloomberg |
Trong khi đó, Philippines sẽ chịu thiệt hại từ các chính sách nhập cư khắt khe hơn. Có tới 35% số người Philippines làm việc ở nước ngoài đang sống tại Mỹ, chiếm 31% tổng số kiều hối gửi về Philippines. Ngoài ra, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Philippines cũng thuộc hàng lớn nhất khối ASEAN. Việc Trump hứa hẹn “mang việc làm về lại nước Mỹ” có thể làm ảnh hưởng tới ngành dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) của Philippines. Ngành này đang phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp Mỹ, và có doanh thu tương đương với lượng kiều hối là khoảng 9% GDP.
Mặc dù đa số nhà đầu tư trả lời khảo sát cho rằng khả năng chiến thắng bầu cử của Trump là không cao, nhưng họ vẫn lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ của ứng viên này. Trump đã hứa sẽ đưa nước Mỹ rút ra khỏi hiệp định TPP, và ngay cả trong trường hợp hiệp định này được thông qua trước khi tổng thống đương nhiệm Obama chấm dứt nhiệm kỳ, thì tân tổng thống Trump vẫn có quyền rút ra khỏi TPP.
Với hơn 15% kim ngạch xuất khẩu là sang thị trường Mỹ, Philippines là nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khối ASEAN từ các chính sách của Trump. Ảnh: Bloomberg |
Trong trường hợp Trump xác định Trung Quốc là một nước đang thao túng tiền tệ, thì chính phủ Mỹ có thể đưa ra một loạt biện pháp hạn chế thương mại với nước này. Theo Nomura thì trong trường hợp đó, Trung Quốc có thể phản ứng lại bằng cách phá giá đồng NDT nhanh hơn, gây ra chiến tranh tiền tệ quy mô lớn ở châu Á.
Dù sao đi nữa, Trump vẫn có thể thay đổi quan điểm trong giai đoạn từ đây cho tới ngày bầu cử 8/11, và các nhà lãnh đạo châu Á đang chuẩn bị cho điều đó.
Hồi tháng 4, Phó thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam từng nhận xét: “Chúng tôi đang nhận thấy là Donald Trump có cách hành xử kiểu ‘nói không cần nghĩ’ (stream of consciousness) khi đưa ra các tuyên bố về chính sách. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng ông ta sẽ ‘tiến hóa’ theo hướng giải quyết được các mối quan tâm chiến lược của nước Mỹ trên toàn cầu”.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg