Nền kinh tế thế giới phải đối mặt với hai mối nguy
Cùng lúc đó, nhiều thị trường đang nổi cũng bị tổn thương. Tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay có khả năng sẽ đạt mức thấp nhất trong cả thập kỷ, nền kinh tế của Brazil cũng đang rất chật vật.
Tuy nhiên, bờ vực tài khóa Mỹ và khủng hoảng eurozone vẫn là hai mối nguy chính của kinh tế thế giới trong năm 2013
"Bờ vực tài khóa" Mỹ treo lơ lửng
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo, điều làm toàn thế giới thêm "nhụt chí" là cuộc tranh cãi tại Washington dường như vẫn chưa thể kết thúc khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất quyết giữ vững lập trường của mình, chưa nhượng bộ về nhiều chính sách liên quan lĩnh vực tài chính.
Kết quả thăm dò chung của Washington Post/Pew Research Center, công bố ngày 4/12 cho biết có 49% người Mỹ được hỏi ý kiến nghĩ rằng Nhà Trắng và phe Cộng hòa từ nay đến cuối năm khó đạt được một thỏa thuận về cắt giảm chi tiêu và cải cách thuế. Tình huống này, nếu xảy ra, có 53% số người được hỏi cho rằng trách nhiệm thuộc về đảng Cộng hòa và 27% đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Obama.
Các số liệu trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ mới công bố cho thấy có nhiều khả năng tăng trưởng trong quý IV sẽ chậm lại. Khởi đầu là số liệu của Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy hoạt động chế tạo của Mỹ giảm trong tháng 11 này sau hai tháng tăng trưởng.
Chỉ số quản lý sức mua theo điều tra của ISM cũng giảm xuống 49,5 trong tháng 11, so với 51,7 trong tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Các doanh nghiệp được điều tra đổ lỗi cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và sự không chắc chắn về các cuộc tranh luận tại Washington về "bờ vực tài khóa" là nguyên nhân chính.
Khó tìm lối thoát cho khủng hoảng nợ công eurozone
Dù cho thỏa thuận về nợ mới nhất của Hy Lạp ngay lập tức đã dập tắt những quan ngại về nguy cơ vỡ nợ và Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng Tây Ban Nha, song khủng hoảng nợ công eurozone vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế thế giới.
Sự quan tâm của các thị trường tài chính đang nhanh chóng hướng về Tây Ban Nha, nơi mà thực trạng kinh tế vẫn tiếp tục xấu đi dù cho tình hình tín dụng đã bớt u ám nhờ những hy vọng có được từ sự trợ giúp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Một quốc gia châu Âu khác có khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro là Pháp. Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu đề cập nguy cơ các thị trường tài chính chống lại Pháp nếu chương trình cải tổ hệ thống tài chính trợ cấp xã hội và thị trường lao động của Tổng thống Francois Hollande gây thất vọng và gặp phải sự phản kháng của người dân.
Khủng hoảng nợ công thậm chí còn lan tới Đức, nền kinh tế đầu tàu eurozone. Sau nhiều năm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm mạnh, xuống còn 0,2% trong quý III/2012. Theo xu hướng này, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2012 của Đức có thể bị âm và triển vọng năm tới vẫn khá u ám.
Bản thân các quan chức EC cũng tỏ ra bi quan về thực trạng eurozone khi đưa ra dự báo kinh tế khu vực này sẽ giảm 0,4% trong năm nay trước khi tăng trưởng nhẹ 0,1% năm 2013 và phải tới năm 2014 mới phục hồi với mức tăng khoảng 1,4%.
Nguồn Vietnam+