Ngành du lịch luôn đóng góp phần quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: NYTimes.
Nền kinh tế du lịch Trung Quốc đang trở lại
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023 sau 3 năm đóng cửa vì các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19, ngành du lịch nội địa đã trải qua sự phát triển vượt bậc và hệ thống đường sắt cao tốc ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc các chuyến đi quốc tế, trong nước vẫn bị hạn chế và khả năng vận chuyển hàng không chỉ đạt khoảng 1/3 so với mức trước đại dịch.
Thực tế cho thấy, ngành du lịch luôn đóng góp phần quan trọng trong nền kinh tế. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc, trước đại dịch, du khách Trung Quốc là nhóm người chi tiền nhiều nhất trên toàn cầu, chiếm 20% tổng chi tiêu du lịch thế giới.
Trong năm vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa nhiều hơn. Trong số các biện pháp thay đổi, Trung Quốc đã quyết định miễn thị thực du lịch hoặc gia hạn thời miễn thị thực cho du khách từ 8 quốc gia, trong đó có Đức và Pháp.
Du khách Trung Quốc là nhóm người chi tiền nhiều nhất trên toàn cầu. Ảnh: NYTimes. |
Giới phân tích nhận định yếu tố chính gây trở ngại cho du lịch quốc tế của người Trung Quốc sẽ tiếp tục là tình hình kinh tế của nước này. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã phục hồi sau đại dịch, nhưng sự suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản đã làm giảm chi tiêu và lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chưa kể đến việc Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp thương mại với Mỹ và châu Âu, nơi có nhiều công ty đa quốc gia lớn. Khi xem xét kỹ về hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc, nhiều công ty cho rằng việc đi lại sẽ gặp khó khăn.
Hoạt động du lịch đến Trung Quốc gần như bị đình trệ do đại dịch. Dự báo cho thấy ngành này sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2025.
Trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, Trung Quốc đã áp dụng các quy định du lịch nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Đôi khi, khách du lịch quốc tế muốn nhập cảnh vào nước này phải tự trả tiền để cách ly trong thời gian từ 1-2 tháng.
Theo công ty phân tích dữ liệu chuyến bay OAG, tính đến tháng 12/2023, công suất chuyến bay quốc tế chỉ đạt 62% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, du lịch nội địa lại ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, khi số lượng hành khách bay trong 3 ngày cuối tuần của tháng 12 đã vượt mức trước đại dịch gần 10%.
Vào đầu năm 2023, Trung Quốc chỉ có khoảng 500 chuyến bay quốc tế mỗi tuần, theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Hiện tại, số chuyến bay đã tăng lên khoảng 4.600 và dự kiến tiếp tục tăng lên 6.000 chuyến vào cuối năm 2024, tương đương 80% so với mức trước đại dịch.
Một thử thách khác sẽ đến trong tháng 2/2024, thời điểm dịp Tết Nguyên đán và hàng triệu người lao động trở về quê. Tuần trước, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc thông báo các hãng hàng không Trung Quốc sẽ bổ sung 2.500 chuyến bay quốc tế để phục vụ các chuyến đi trong dịp lễ hội mùa Xuân.
Các quốc chức ngành vận tải Trung Quốc dự kiến có khoảng 480 triệu chuyến đi bằng đường sắt trong giai đoạn tăng cường nhu cầu du lịch kéo dài 40 ngày quanh dịp lễ hội mùa Xuân trong những tuần trước và sau Tết Nguyên đán, tăng gần 40% so với năm 2023.
Đường sắt cao tốc đã trở thành phương tiện di chuyển phổ biến trong nước. Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết số lượng chuyến đi bằng đường sắt đã vượt qua con số 20 triệu, khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng bắt đầu hồi tháng 10/2023 và số lượng hành khách trung bình hằng ngày suốt cả năm đã vượt qua con số 10 triệu.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi hoàn toàn của du lịch quốc tế sẽ không xảy ra cho đến năm 2025. Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế ngân hàng Nomura (Nhật) hồi tháng 1, tốc độ phục hồi của ngành du lịch chủ yếu sẽ phụ thuộc vào số tiền mà du khách Trung Quốc sẵn lòng chi tiêu. Những vấn đề như việc cấp thị thực và hộ chiếu bị kéo dài đến năm 2023 do đại dịch đã được giải quyết.
Dù những hạn chế về phía cung đã giảm bớt, lực cản từ phía cầu hiện xuất hiện và những trở ngại đáng kể vẫn tồn tại đối với việc phục hồi ngành du lịch quốc tế của Trung Quốc vào năm 2024 và có thể kéo dài đến năm 2025.
Tháng 12/2023, Trung Quốc mở cửa cho du khách từ các nước như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Malaysia và Hà Lan du lịch trong vòng 15 ngày mà không cần thị thực, kéo dài đến tháng 11/2024. Trong vòng 6 tuần đầu tiên của chương trình, đã có 147.000 thị thực được cấp cho du khách, theo Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận giúp du khách từ Thái Lan và Singapore tiếp cận dễ dàng hơn với việc đi lại mà không cần thị thực.
Đối với người Mỹ, người xin thị thực không cần phải nộp các giấy tờ như hồ sơ đặt phòng khách sạn, lịch trình hoặc thư mời. Chính phủ cũng giảm 25% phí xin thị thực cho đến cuối năm 2024.
Các chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ đang dần được khôi phục. Ảnh: NYTimes. |
Du khách ngoại quốc cũng dễ dàng hơn trong việc thanh toán mọi thứ khi đến Trung Quốc. Tháng 7/2023, các nền tảng thanh toán như WeChat Pay và AliPay cho biết sẽ hỗ trợ thẻ tín dụng quốc tế và cho phép du khách truy cập vào các hình thức thanh toán như người dân địa phương. Ngoài ra, người Trung Quốc hiện cũng không còn ưa chuộng tiền mặt như trước đây.
Các chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đang dần được khôi phục. Trước đại dịch, mỗi tuần có hơn 300 chuyến bay giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, vào tháng 9, con số này đã giảm còn 36 chuyến/tuần, nhưng đang có xu hướng dần trở lại. Vào tháng 11, 2 nước đã đồng ý tăng số chuyến bay lên 70 mỗi tuần.
Cuối cùng, sự thay đổi trong sở thích và thu nhập khả dụng của du khách Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế du lịch. Giới chuyên gia nhận định khi các hộ gia đình Trung Quốc trở nên nhạy bén và thận trọng hơn về giá cả, du lịch nội địa được ưa chuộng hơn do tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Xu hướng "sang trọng thầm lặng" chiếm lĩnh danh mục của giới đầu tư
Nguồn NYTimes