Nền kinh tế của Brazil trong vòng xoáy khủng hoảng
Cách đây 3 năm tại thành phố Rio de Janeiro, cô Barbara Araujo và anh Allan Alves đã kết hôn với nhau với nhiều kế hoạch cho tương lai, như mở doanh nghiệp, mua nhà và sinh con. Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch trên dần trở nên xa vời khi nền kinh tế Brazil rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua.
Theo số liệu được chính phủ Brazil công bố trong ngày hôm qua cho biết, GDP của nước này trong năm 2015 đã giảm tới 3,8%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1990, cho đến nay, và Brazil đang lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài nhất trong lịch sử kể từ năm 1930.
"Tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự như vậy", anh Alves (24 tuổi) chia sẻ. “Cha mẹ tôi đã từng kể cho tôi nghe về những thời kỳ khó khăn trước đây, nhưng tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn nhiều. Giá cả các loại hàng hóa tăng lên từng ngày”, anh Alves nói.
Được biết trong năm 2011, Brazil còn có nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, vượt qua cả nước Anh, nhờ vào trữ lượng dầu mỏ lớn, dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, cũng như doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa sang đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008, Brazil cũng gần như không chịu ảnh hưởng là mấy.
Tuy nhiên, thời đại hoàng kim của nước này đã qua. Tính riêng trong năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, chỉ số niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh, còn đồng nội tệ real thì mất giá tới 24% so với đồng USD.
Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Brazil chủ yếu phụ thuộc phần lớn vào các hàng hoá như dầu mỏ, đường và cà phê. Nên khi giá của tất cả các mặt hàng này giảm xuống trong vòng 2 năm qua, nền kinh tế nước này đã chịu thiệt hại nặng.
Bên cạnh đó, vụ bê bối tham nhũng tại công ty dầu khí quốc doanh Petrobras cũng làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân vào chính phủ và giới doanh nghiệp. Vụ bê bối trên đã khiến nhiều quan chức cũng như doanh nhân bị bắt với tổng giá trị tài sản bị tịch thu lên đến hàng tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nữ Tổng thống Dilma Rousseff bị Nghị viện chất vấn vào năm trước.
Tình trạng kinh tế Brazil đi xuống đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tầng lớp trung lưu tại nước này. Theo lời chia sẻ của Alves, hai vợ chồng anh đã mất việc làm vào năm ngoái. Sau khoảng thời gian khó khăn này, hai vợ chồng anh bắt đầu kinh doanh bánh chocolate, và đạt được doanh thu khoảng 250 USD/ngày.
Tuy nhiên với mức lạm phát lên cao kỷ lục trong vòng 13 năm qua, đã khiến cho các nguyên liệu đầu vào của gia đình Alves trở nên đắt đỏ hơn. Các khách hàng quen thuộc đã không còn khả năng thanh toán, nên họ buộc phải tìm kiếm các khách hàng mới. Hoạt động kinh doanh trở nên vô cùng khó khăn, nên các kế hoạch được vạch ra trước đó đều phải hoãn lại.
Rất nhiều doanh nghiệp tại thành phố Rio de Janeiro đã phải ngưng hoạt động, dù nơi đây đang chuẩn bị đón hàng triệu du khách trên toàn thế giới cho Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016. Theo số liệu ước tính trong năm 2015, thành phố này có đến hơn 1.200 cửa hàng đóng cửa, do doanh thu giảm trong khi chi phí thuê mặt bằng lại tăng cao.
Tuy trong bối cảnh nền kinh tế Brazil đang khá ảm đạm nhưng vợ chồng anh Alves vẫn tỏ ra rất lạc quan về tương lai. "Có quá nhiều bất ổn trên thị trường tại thời điểm này. Tất vả những gì mà chúng ta có thể làm là tiết kiệm", Alves nói. "Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng có thể mang lại nhiều cơ hội cho tương lai của các con mình sau này".
Nguyệt Nhi
Nguồn CNN