Thứ Năm | 27/09/2012 14:40

Nền kinh tế châu Á nào bị tác động mạnh nhất từ QE3?

Tuy không tạo dòng vốn nóng, nhưng gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) của Mỹ có thể gây bong bóng tài sản ở châu Á như Hong Kong và Singapore.
Sau động thái bơm tiền kích thích kinh tế của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Nhật Bản lập tức tung ra gói kích thích trị giá 10.000 tỷ yên (128 tỷ USD) để ghìm đà tăng giá của đồng yên.

Tuy nhiên, Nhật Bản có thể không phải là nền kinh tế bị tác động tiêu cực nhất bởi QE3. Bởi với một đồng yên mạnh, Nhật Bản có thể kỳ vọng yên trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế khi các nền kinh tế như Indonesia Malaysia, Thái Lan tìm cách giảm dần phụ thuộc kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, bằng cách duy trì đồng yên mạnh so với euro và USD, Nhật Bản có thể tăng cường đầu tư và tập trung hơn vào hoạt động thương mại khu vực.

Trong khi đó, kinh tế Hong Kong, Singapore có thể chịu tác động mạnh từ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ.

Hong Kong có dấu hiệu bong bóng bất động sản do chính sách lãi suất siêu thấp kéo dài 4 năm qua của Fed. Đó là bởi vì đô la Hong Kong trên danh nghĩa neo tỷ giá theo USD, mà các chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ thường sẽ khiến USD mất giá.

Hiện giờ, Fed tiếp tục triển khai chương trình nới lỏng mới, Hong Kong sẽ buộc phải đánh giá lại chính sách neo tỷ giá này. Nếu không điều chỉnh, bong bóng bất động sản Hong Kong có thể phình to hơn và thậm chí bùng vỡ.

Điều này sẽ khiến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Hong Kong tăng cao như tình trạng ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.

Cũng giống Hong Kong, kinh tế Singapore dễ bị tổn thương bởi bong bóng bất động sản do chính sách neo lãi suất theo Fed. Các chương trình nới lỏng định lượng của Fed thực tế đang gây sức ép lạm phát cho Singapore.

Trong khi QE3 có thể gây tác động tiêu cực đến một số nền kinh tế châu Á, giới chuyên gia vẫn cho rằng, QE3 sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường châu Á, đặc biệt thị trường trái phiếu.

Nguồn CNN Money, Asia News Channel/Khampha


Sự kiện