Ấn Độ đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Ảnh: The Economist.

 
Lam Ngọc Thứ Ba | 13/02/2024 23:05

Nền kinh tế Ấn Độ phát triển như thế nào dưới thời Thủ tướng Narendra Modi?

Mặc dù tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm từ 2,6% vào năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm 2024, nền kinh tế Ấn Độ vẫn đang trên đà bùng nổ.

“Vào thời điểm thế giới bị bao vây bởi nhiều bất ổn, Ấn Độ đã nổi lên như một tia hy vọng mới”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Toàn cầu Vibrant Gujarat lần thứ 10.

Mặc dù tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm từ 2,6% vào năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm 2024, nền kinh tế Ấn Độ vẫn đang trên đà bùng nổ. Trong 12 tháng tính đến quý III/2023, quốc gia Nam Á đã tăng trưởng 7,6%, vượt qua hầu hết các dự báo. Trước đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều chỉ kỳ vọng Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 6% trở lên trong thời gian còn lại của thập kỳ này. 

Đà tăng trưởng của Ấn Độ là tín hiệu tích cực cho ông Modi, khi tháng 4 tới đây, khoảng 900 triệu người dân Ấn Độ đủ điều kiện sẽ tiến hành bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lớn nhất trong lịch sử thế giới. Một trong những lý do để ông Modi có thể thành công bước vào nhiệm kỳ thứ ba kể từ năm 2014 là nhiều người dân Ấn Độ tin rằng ông có năng lực quản lý đất nước cao hơn bất kỳ một ứng cử viên nào khác.

Dù tốc độ tăng trưởng vượt xa hầu hết các nền kinh tế mới nổi, thị trường lao động Ấn độ vẫn yếu và triển vọng đầu tư của khu vực tư nhân kém sáng. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi và dưới những cải cách của ông Modi, Ấn Độ đang trải qua thời kỳ bùng nổ đầu tư.

Khi nhìn vào các số liệu tăng trưởng toàn phần, GDP bình quân đầu người Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ trung bình 4,3% mỗi năm trong 10 năm ông Modi nắm quyền. Mặc dù con số này thấp hơn mức 6,2% mà quốc gia đông dân nhất thế giới đạt được dưới thời ông Manmohan Singh, phần lớn nguyên nhân là do hệ luỵ từ những gì mà ông Modi tiếp quản.

Vào những năm 2010, đầu tư cơ sở hạ tầng trở nên tồi tệ, khi Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng kép về bảng cân đối kế toán, khiến cả ngành ngân hàng và các doanh nghiệp xây dựng nước này chịu ảnh hưởng. Những khoản nợ khó đòi dẫn đến hoạt động đầu tư bị trì hoãn trong nhiều năm sau đó.

Hơn nữa, Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu bị chững lại do cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2007-2009 gây ra và sau đó là thế giới chìm trong đại dịch COVID-19. Nhìn chung, tăng trưởng trung bình của 20 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình đã giảm từ 3,2% trong thời kỳ ông Singh xuống còn 1,6% dưới thời ông Modi. Xét trong nhóm này, Ấn Độ đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng vượt trội.

Nỗ lực đưa nền kinh tế đi lên

Kể từ khi ông Modi nhậm chức, ông đã đạt hai trên ba mục tiêu đề ra trong công cuộc đưa nền kinh tế Ấn Độ đi lên là chính thức hoá nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong khi đó, mục tiêu thứ ba là thúc đẩy sản xuất đang được đánh giá là có hiệu quả chưa đáng kể so với hai mục tiêu trên.

Mặc dù chi phí có đắt đỏ hơn so với trước, nền kinh tế Ấn Độ đã trở nên chính thức hơn dưới sự dẫn dắt của ông Modi. Việc giảm bớt khu vực kinh tế phi chính thức, chuyển sang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế chính thức nhằm đưa hạn chế sự chi phối của các doanh nghiệp nhỏ, gây kém hiệu quả trong kinh doanh.

Trong quá trình này, động thái gây tranh cãi nhất là quyết định hủy bỏ lưu hành tờ tiền 500 và 1.000 rupee vào năm 2016. Quyết định đột ngột của ông Modi biến 86% tiền giấy đang lưu hành ở thời điểm đó tại Ấn Độ trở thành mớ giấy lộn. Mục đích của việc này là loại bỏ “tiền đen” (khoản tiền có được do tham nhũng hoặc không được kê khai thuế rõ ràng) ra khỏi hệ thống tiền tệ quốc gia, một nỗ lực nhằm đối phó với nạn tham nhũng và khủng bố. 

Dẫu vậy, gần như tất cả lượng tiền mặt được thu về đều không cho thấy dấu hiệu của tham nhũng hay rửa tiền. Sáng kiến phi tiền tệ của ông Modi đẩy người dân Ấn Độ vào hoàn cảnh khó khăn và đất nước cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiền mặt tạm thời.

Song, quá trình phi tiền tệ hoá ở một góc độ nào đó lại thúc đẩy việc tăng cường số hoá nền kinh tế. Với hệ thống cơ sở hạ tầng số hoá hiện nay, hầu hết các thanh toán bán lẻ ở các thành phố Ấn Độ đều đã được số hoá. Không chỉ vậy, các chương trình phúc lợi cho người dân cũng diễn ra suôn sẻ hơn so với việc hỗ trợ hiện vật hay tiền mặt.

Thực tế cho thấy những cải cách của Thủ tướng Narendra Modi đã cải thiện tình trạng nghèo đói, do tỉ lệ tạo công việc mới thấp. Số lượng việc làm thấp có thể cản trở việc cải thiện mức sống của người dân, do đó chính phủ Ấn Độ triển khai chương phúc lợi trị giá 3% GDP hàng năm. Với chương trình này, người dân có hoàn cảnh nghèo khó sẽ nhận tiền theo hình thức chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng cá nhân của mỗi người. Kết quả đạt được là tỉ lệ người nghèo ở Ấn Độ giảm từ 19% vào năm 2015 xuống còn 12% vào năm 2021.

Công nghiệp hoá nền kinh tế

Bên cạnh phát triển số hoá, Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, như đường sá và cầu. Đầu tư công tăng từ 3,5% GDP vào năm 2019 lên gần 4,5% trong giai đoạn năm 2022 và 2023. Tính theo tỉ trọng GDP, doanh thu ròng năm 2023 từ hệ thống thuế mới sẽ vượt qua tỉ lệ của hệ thống thuế cũ. Điều này xảy ra ngay cả khi thuế suất đối với nhiều mặt hàng đã giảm. Lượng tiền đổ vào nhiều hơn bất chấp lãi suất thấp hơn cho thấy nền kinh tế thực sự đang chính thức hóa.

Mục tiêu tiếp đến của ông Modi là công nghiệp hoá nền kinh tế. Năm 2020, chính phủ đưa ra chương trình trợ cấp trị giá 26 tỉ USD, tương đương 1% GDP, cho các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ. Năm 2021, chính phủ tiếp tục cam kết gói hỗ trợ 10 tỉ USD để các công ty bán dẫn xây dựng nhà máy trong nước.

Những nỗ lực của chính phủ Ấn Độ đã đưa các ngành công nghiệp mới của đất nước phát triển và thành công thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như Foxconn, nhà cung cấp chính của Apple cho biết sẽ tăng đầu tư gấp đôi vào Ấn Độ trong năm tới. Hiện Foxconn đang sản xuất khoảng 10% lượng iPhone trên toàn cầu ở nhà máy tại Ấn Độ. Cũng trong năm 2023, Micron, một nhà sản xuất chip, đã bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 2,75 tỉ USD ở Gujarat, dự kiến ​​sẽ tạo ra 5.000 việc làm trực tiếp và 15.000 việc làm gián tiếp.

Tuy nhiên, cho đến nay, các dự án này còn quá nhỏ để có ý nghĩa kinh tế. Giá trị của hàng công nghiệp xuất khẩu tính theo tỉ trọng trong GDP đã chững lại ở mức 5% trong thập kỷ qua, và tỉ trọng của ngành công nghiệp sản xuất trong nền kinh tế đã giảm từ khoảng 18% dưới thời chính phủ trước xuống còn 16%. Hơn nữa, chính sách công nghiệp cũng chiếm phần chi phí lớn. Chính phủ sẽ chịu 70% chi phí của nhà máy Micron, đồng nghĩa là phải trả gần 100.000 USD cho mỗi công việc. Nhìn chung, thuế quan tăng lên, làm tăng chi phí đầu vào từ nước ngoài.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, cần xem xét đầu tư của khu vực tư nhân, vốn chậm lại trong thời gian ông Modi nắm quyền. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng một sự bùng nổ có thể đang đến. Một báo cáo gần đây của Axis Bank chỉ ra chu kỳ đầu tư tư nhân có thể sẽ thay đổi, nhờ vào bảng cân đối kế toán doanh nghiệp và ngân hàng bền vững. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, các công bố về các dự án đầu tư mới của các tập đoàn tư nhân đã vượt quá 200 tỉ USD vào năm 2023, mức cao nhất trong một thập kỷ và gần gấp đôi giá trị của năm 2019 theo giá trị thực.

Mặc dù lãi suất cao đã làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm qua, kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ của các công ty vẫn là có, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào Trung Quốc. Khi đó sẽ là cơ hội cho những cải cách của ông Modi thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc gia.

Có thể bạn quan tâm:

Gần 2/3 CEO lo ngại về tính bền vững của doanh nghiệp

Nguồn The Economist