Thứ Tư | 02/04/2014 20:51

NATO hủy mọi hợp tác với Nga

NATO đã hủy tất cả mọi hợp tác thực tế với Nga nhằm phản đối việc nước này sáp nhập Crimea.
Tư lệnh tối cao Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói rằng, Nga đã có toàn bộ lực lượng cần thiết ở biên giới Ukraine và nếu quyết định tấn công vào Ukraine thì Moscow có thể đạt được mục tiêu này trong vòng 3-5 ngày.

Gọi tình hình ở biên giới Ukraine là “đặc biệt đáng lo ngại”, Tư lệnh tối cao đồng minh của NATO tại châu Âu, Thống tướng không lực Mỹ Philip Breedlove, ngày 2/4 nói rằng, khối này đã phát hiện thấy những tín hiệu di chuyển của một phần rất nhỏ lực lượng của quân Nga nhưng không thấy dấu hiệu nào cho thấy số quân này đang quay trở lại doanh trại. Trước đó, ngày 31/3, Nga đánh tiếng nói rằng sẽ rút một phần lực lượng đang tập trung ở gần biên giới Ukraine.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters và tờ Wall Street Journal, ông Breedlove cho biết, tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên ở NATO, khối này đã đề nghị ông hoàn thành trước ngày 15/4 một bản kế hoạch nhằm trấn an các nước đồng minh của NATO ở Đông Âu. Bản kế hoạch này có thể bao gồm tăng cường lực lượng trên đất liền, trên biển và trên không.

Ngày 1/4, NATO đã hủy tất cả mọi hợp tác thực tế với Nga nhằm phản đối việc nước này sáp nhập Crimea, đồng thời ra lệnh cho tất cả các nhà kế hoạch quân sự của khối vạch ra các biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ và trấn an các nước đồng minh của khối ở Đông Âu.

Các biện pháp này có thể bao gồm cử thêm quân và thiết bị quân sự tới các nước đồng minh ở Đông Âu, tiến hành tập trận nhiều hơn, củng cố lực lượng phản ứng nhanh của NATO để có thể triển khai nhanh chóng hơn và rà soát lại các kế hoạch quân sự của NATO. Các bản kế hoạch có thể được hoàn tất trong vòng một vài tuần.

Ngoại trưởng 28 nước NATO vừa có cuộc họp lần đầu tiên kể từ khi Crimea về Nga. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng, hành động của Nga đồng nghĩa với việc không thể có sự hợp tác giữa khối này với Moscow như bình thường. “Bởi vậy, chúng tôi sẽ hủy tất cả mọi hợp tác thực tế với Nga, cả về quân sự và dân sự”, ông Rasmussen nói trong một cuộc họp báo.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì nói rằng, tương lai quan hệ giữa NATO với Nga sẽ tùy thuộc vào việc Nga có bắt đầu rút quân khỏi biên giới với Ukraine hay không.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói, NATO muốn căng thẳng hạ nhiệt và tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. “Điều quan trọng là tất cả mọi người trên thế giới hiểu rằng, liên minh NATO không bỏ qua nỗ lực nhằm thay đổi biên giới bằng vũ lực”, ông Kerry nói.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện