Năng suất lao động toàn cầu tăng chậm nhất 10 năm
Trong báo cáo của mình, Conference Board cho biết tăng trưởng năng suất lao động trung bình của thế giới trong năm 2012 chỉ đạt 1,8% - tốc độ thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua, nếu không tính đến khủng hoảng 2008-2009. Năng suất lao động toàn cầu chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm đi đáng kể so với tăng trưởng việc làm.
Conference Board cũng cho biết hoạt động cải thiện năng suất lao động thực tế đã bị đình trệ ở nhiều nền kinh tế phát triển và chậm lại đáng kể tại nhiều nước mới nổi, như Trng Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Tại Mỹ, sản lượng sản xuất theo giờ chỉ tăng 0,2% trong năm 2012, biến đây trở thành 1 trong 3 năm có tốc độ tăng trưởng năng suất chậm nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Trong khi đó, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở Vương quốc Anh, khi sản lượng sản suất bình quân mỗi giờ giảm 1,3%.
Kinh tế trưởng của Conference Board, ông Bart van Ark, cho biết năng suất lao động nghèo nàn tại nhiều nước, như Anh và Mỹ, phần lớn là do các doanh nghiệp đang tìm cách sản xuất cầm chừng với hy vọng nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng trở lại.
Tuy nhiên, ông Ark lưu ý rằng "năng suất tổng" - chỉ số dùng để đo lường mức độ hiệu quả trong sử dụng vốn, công nghệ và công nhân của các doanh nghiệp - cũng đang chậm lại ở các nền kinh tế phát triển.
"Thế giới đang bước vào thời kỳ mà hoạt động đổi mới diễn ra khá yếu và không có gì đảm bảo đây là một hiện tượng mang tính chu kỳ", ông Ark cho biết.
Theo kết quả khảo sát, với sự tham dự của 750 giám đốc điều hành (CEO) và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ngay cả ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2012, hiện tượng tụt giảm năng suất cũng khá phổ biến. Tại Trung Quốc, năng suất của mỗi công nhân đã giảm từ 8,8% xuống 7,4%. Tại Ấn Độ, con số này cũng giảm từ 4,2% xuống 3,7%, trong khi ở Brazil giảm từ 0,7% xuống 0,3%.
Mặc dù vậy, năng suất của một số nước Đông Nam Á, như Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam lại có dấu hiệu tăng trong năm 2012.
Nguồn FT/Khampha