Suốt thời gian đại dịch, các ngành công nghiệp đã không điều chỉnh việc làm theo tình hình kinh tế. Ảnh: Reuters.
Năng suất lao động sụt giảm mạnh tại nhiều nước phát triển
3 năm sau khi COVID-19 xuất hiện, thị trường lao động khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã phục hồi với tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Mặc dù vậy, năng suất lao động vẫn chưa trở lại mức trước khủng hoảng đại dịch. Theo nghiên cứu vừa công bố của Allianz Trade, năng suất lao động đang lao dốc ở khu vực dùng đồng euro. Sự sụt giảm năng suất đáng lo ngại này có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong ngắn hạn, vì tăng trưởng kinh tế đã bị đình trệ trong vài quý. Việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại eurozone cũng khiến hoạt động kinh tế bị kìm hãm hơn nữa.
Đáng báo động nhất có thể kể đến Tây Ban Nha với năng suất bình quân đầu người giảm đến 7,6% trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2022. Tiếp đến là Pháp với mức giảm 2,9% và cuối cùng là Đức giảm 0,8%. Theo các chuyên gia, ở Pháp và Tây Ban Nha, tốc độ tạo việc làm tăng lên đáng kể, nhưng nền kinh tế lại không khuyến khích các doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất và đầu tư.
Allianz Trade cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm năng suất đến từ thực trạng trong giai đoạn đại dịch, nhiều quốc gia châu Âu áp dụng các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Trong số các biện pháp được áp dụng, biện pháp cho phép “thất nghiệp một phần” là nguyên nhân chính.
Trong các ngành dịch vụ, người lao động ít phải làm thêm giờ hơn. Ảnh: Daily Sabah. |
Theo đó, các ngành công nghiệp đã không điều chỉnh việc làm theo tình hình kinh tế. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thiết bị vận tải, các doanh nghiệp muốn chờ nguồn cung phụ tùng bớt căng thẳng hơn là sản xuất. Trong các ngành dịch vụ, người lao động ít phải làm thêm giờ hơn. Việc chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp trong suốt đại dịch có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì “các công ty ma”. Nhiều công ty hoạt động cầm chừng và lẽ ra phải phá sản nếu không có trợ cấp.
Cuối cùng, các công việc mới được tạo ra cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất. Sự bùng nổ việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ (tiếp thị, truyền thông, chăm sóc y tế, giao hàng…) tại châu Âu không thể thực sự góp phần cải thiện năng suất, không giống như việc làm trong các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, sự bấp bênh của thị trường lao động với chất lượng việc làm thấp và thu nhập thấp cũng không cải thiện năng suất lao động, trong khi tỉ lệ luân chuyển lao động thường diễn ra liên tục ở một số vị trí.
Không chỉ riêng châu Âu, chia sẻ Đài ABC của Úc mới đây, Giáo sư Greg Clark, người từng cố vấn phát triển cho hơn 40 quốc gia trên thế giới, cảnh báo nước Úc có nguy cơ rơi vào giai đoạn sụt giảm năng suất kéo dài “mà không hay biết” nếu lực lượng lao động ở nước này không trở lại làm việc tại văn phòng nhiều hơn. Bên cạnh đó, tăng trưởng năng suất của Úc đã giảm trong vòng 20 năm qua, phần lớn là do suy giảm tính năng động trong hoạt động kinh doanh và tốc độ đổi mới chững lại.
Có thể bạn quan tâm:
Mỹ và châu Âu gấp rút triển khai quản lý lĩnh vực A.I