Nắng nóng gay gắt gần như bao trùm toàn bộ châu Á. Ảnh: Bloomberg.

 
Lam Ngọc Thứ Tư | 24/05/2023 16:35

Nắng nóng "thiêu đốt" châu Á: Cơ hội cho năng lượng của Nga?

Nắng nóng gay gắt đang thiêu đốt châu Á trong những tuần gần đây đã khiến các quốc gia ở khu vực này tìm đến Nga để mua nhiên liệu khí đốt.

Một loạt quốc gia châu Á đang hứng chịu nắng nóng kỷ lục trong những năm gần đây. Các mức nhiệt kỷ lục đang được ghi nhận ở nhiều nơi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn các quốc gia đã trải qua cái nóng hơn 40oC trong tháng 4. Thậm chí chỉ số nhiệt tại một số khu vực đã gần chạm ngưỡng nguy hiểm 54oC. Đây là ngưỡng nhiệt độ có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Nắng nóng gay gắt gần như bao trùm toàn bộ châu Á và không có dấu hiệu thuyên giảm. Nền nhiệt trung bình ở nhiều nước châu Á liên tục lập kỷ lục mới như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Lào. Không dừng lại đó, Thủ tướng Việt Nam mới đây đã cảnh báo tình trạng thiếu điện trong tháng này, trong khi Myanmar đang gặp khó khăn với tình trạng mất điện ngày càng trầm trọng.

Châu Á đang hứng chịu nắng nóng gay gắt do tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.
Châu Á đang hứng chịu nắng nóng gay gắt do tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (MWO), hiện tượng El Nino được dự báo sẽ xuất hiện trở lại trong những tháng tới và có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng có trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.

Tăng cường nhập khẩu năng lượng

Trước tình hình thời tiết cực đoan, các mặt hàng năng lượng Nga trở thành nguồn cung hấp dẫn đối với các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn cung năng lượng dồi dào từ Nga giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất điện của các nước ở khu vực này. Số liệu từ Công ty Kpler cho thấy lượng than và khí đốt tự nhiên mà Nga xuất khẩu sang châu Á trong năm nay đã tăng rõ rệt. Khối lượng than mà Nga xuất khẩu sang châu Á tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được xuất khẩu từ Nga đến thị trường châu Á cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây sau khi giá khí đốt giảm từ mức cao kỷ lục khiến nhiều quốc gia nghèo trước đó đã không thể mua được loại nhiên liệu này.

 

Trung Quốc và Ấn Độ là các nước dẫn dầu trong hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga khi chiếm 2/3 lượng than Nga xuất khẩu cũng như là mua lượng dầu kỷ lục theo thỏa thuận mua bán dầu, giảm giá trước đó được ký kết. Số còn lại, Hàn Quốc chiếm 15% nguồn cung trong khi Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka cũng nổi lên như những thị trường nhập khẩu đáng kể mới.

Tháng này, Pakistan cũng đã đặt một lô dầu thô từ Nga, tuy nhiên quốc gia này cho biết muốn giao dịch dài hạn bằng đồng nhân tệ của Trung Quốc. Các nước Trung Đông khác cũng đã có động thái tìm đến nguồn cung từ thị trường Nga, tăng cường nhập nhiên liệu để sản xuất điện. Vào mùa hè, xu hướng mua năng lượng Nga của các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo ông Chris Wilkinson, nhà phân tích cấp cao về năng lượng tái tạo tại Rystad, cho biết ngay cả Nhật, một quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ, mặc dù không muốn tăng lượng nhập khẩu từ Nga, cũng đang có động thái xem xét mua thêm LNG theo các hợp đồng dài hạn hiện có, bởi vì tiết kiệm chi phí hơn so với mua trên thị trường giao ngay.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng việc ngày càng nhiều quốc gia châu Á tăng lượng mua các mặt hàng năng lượng của Nga phản ánh sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ cũng như bất chấp nguy cơ gây “mất lòng” với cường quốc này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng các nước nghèo tìm đến nguồn cung Nga bởi vì có thể mua được năng lượng giá rẻ.

Có thể bạn quan tâm:

Tỉ phú Elon Musk: Fed đang "đạp phanh" nền kinh tế toàn cầu

Nguồn Bloomberg