Nam Phi buồn: Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu!*
Mặc dù trong quá khứ Nam Phi từng không ít lần bị lên án vì nạn phân biệt chủng tộc, song đến năm 1994, quốc gia này đã từng bước chuyển đổi hoàn toàn sang nền chính trị dân chủ với một quốc hội mới phù hợp hơn, hệ thống bầu cử minh bạch hơn, hiến pháp tốt hơn. Bên cạnh đó, Nam Phi còn cho thành lập các tòa án độc lập các cấp, tạo điều kiện cho ngành báo chí phát triển sôi động, thậm chí còn sở hữu một thị trường chứng khoán với sự hỗ trợ của các nước tư bản phương Tây.
Song cũng kể từ đó, châu Phi - từ lâu vẫn gán mác là "lục địa vô vọng" của thế giới - bắt đầu thực hiện những bước chuyển mình đầy táo bạo. Trong khi đó, dù sở hữu kho tàng khoáng sản cùng nền kinh tế hiện đại và tinh vi nhất khu vực, Nam Phi lại nhanh chóng trượt sâu vào hố đen chính trị và kinh tế. Theo ước tính của các chuyên gia, để vượt qua những lộn xộn về chính trị và kinh tế hiện tại, Nam Phi sẽ phải mất ít nhất vài năm, thậm chí vài chục năm. Vậy điều gì đã thực sự xảy đến với Nam Phi?
Trong một thập kỷ qua, khu vực châu Phi phía Bắc sông Limpopo là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 6%/năm. Tuy nhiên, riêng Nam Phi lại ì ạch ở mức 2%. Kết quả là, các cơ quan xếp hạng đua nhau đánh tụt xếp hạng tín dụng của Nam Phi.
Trong khi đó, khai thác mỏ - một trong những động cơ chính của nền kinh tế - lại liên tiếp bị đình trệ bởi các cuộc đình công tự phát, mà nguyên do chủ yếu là các công ty khai thác lớn ồ ạt sa thải hàng nghìn việc làm khi chi phí lao động tăng cao và bạo lực lan rộng. Điển hình như tháng 8 năm nay, tại mỏ bạch kim ở Marikana, gần thủ đô thương mại Johannesburg của Nam Phi, hàng nghìn công nhân mỏ đã đối đầu với cảnh sát chống bạo động, kết quả là 34 người đã thiệt mạng sau các vụ đụng độ.
Chẳng những thế, đầu tư nước ngoài vào Nam Phi cũng nhanh chóng cạn kiệt. Chưa kịp dẹp yên tình trạng bất bạo động trong ngành khai thác mỏ, Nam Phi lại phải đối mặt với làn sóng biểu tình giận dữ của người dân, phản đối sự thất bại của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công. Trong khi đó, giáo dục của Nam Phi cũng bị tụt hạng nhanh chóng. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Nam Phi hiện xếp thứ 132 trên tổng số 144 quốc gia về giáo dục tiểu học, và đứng áp chót về nghiên cứu khoa học cũng như toán học.
Nam Phi sẽ mất vài năm, thậm chí vài chục năm, để giải quyết những khó khăn hiện tại. |
Nhiều người đổ lỗi sự đi xuống của đất nước là do đảng Đại hội Dân tộc Phi Châu (ANC), song trên thực tế sự yếu kém của Nam Phi so với các nước láng giềng trong những năm gần đây một phần là do nền kinh tế liên kết chặt chẽ hơn với các nước giàu, và do đó sẽ dễ dàng đi vào vết xe đổ của những nước này.
Xét công bằng, đảng ANC đã thành công khi xây dựng được một số thành tựu cho đất nước, nổi bật là đem dịch vụ nhà ở và phúc lợi tới tận tay người da đen - vốn dĩ chỉ dành cho người da trắng khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn tồn tại. Tuy nhiên, đảng ANC lại tỏ ra bất lực trước sự hoành hành của nạn tham nhũng - một trong những nguyên nhân chính đẩy Nam Phi vào tình cảnh hiện tại.
Kể từ khi Nelson Mandela nghỉ hưu năm 1999, Nam Phi đã liên tiếp đi sai hướng. Dưới thời tổng thống Thabo Mbeki, Nam Phi thể hiện một bộ mặt khác hẳn so với thời Madela. Tổng thống Mbeki sau đó đã bị lật đổ vào năm 2008 và Nam Phi tiếp tục trải qua một đời tổng thống nữa là Kgalema Molanthe trước khi Jacob Zuma lên nhậm chức vào năm 2009.
Mặc dù đã xây dựng hệ thống luật chặt chẽ hơn nhằm chống lại tệ nạn tham nhũng, song ông Zuma lại thất bại trong việc giải quyết những hậu quả mà nạn tham nhũng để lại. Trong khi đó, đảng ANC dưới sự bảo trợ của ông đã tìm cách làm suy yếu sự độc lập của các tòa án, cảnh sát, báo chí cũng như chính quyền địa phương. Thậm chí ANC còn tìm cách đánh đồng lợi ích của đảng với lợi ích quốc gia, đồng thời thao túng các hợp đồng dành cho các công trình công cộng và coi đó như phần thưởng dành cho sự trung thành của đảng với đất nước.
Kết quả là, năng lực cạnh tranh của Nam Phi bị suy yếu trầm trọng, và tầng lớp thượng lưu đi lên từ những mánh khóe làm ăn bẩn thỉu xuất hiện ngày càng nhiều. Và Nam Phi ngày một suy kiệt diễn ra như một điều tất yếu.
Trong khi các quốc gia láng giềng đã thực hiện những bước chuyển mình về chính trị, nhằm kéo họ ra khỏi nạn tham nhũng và trì trệ hoành hành suốt nhiều thập kỷ, Nam Phi lại chọn hướng đi ngược lại. Theo các nhà phân tích, hy vọng duy nhất cho Nam Phi vào lúc này chính là sự chia rẽ nội bộ đảng ANC, và đó sẽ là cơ hội cho các cử tri tạo ra một sự thay đổi trong đảng cầm quyền. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, Nam Phi sẽ vẫn đi xuống trong khi phần còn lại của châu Phi lại ngày một thịnh vượng hơn.
------------------
* (Cry, the beloved country) là tên một tác phẩm văn chương rất nổi tiếng viết về Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc của tác giả Alan Paton. Tác phẩm đã được giới thiệu tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.
Nguồn Economist/Khampha