Thứ Ba | 29/01/2013 09:48

Nam Mỹ trước cuộc “tấn công” của hàng hóa Trung Quốc

Hàng hóa Trung Quốc đang đe dọa ngành sản xuất ở Mỹ Latin.
Tại ngôi làng Tuchin ở vùng Caribbean, những gia đình người Colombia nhiều thế hệ đã kiếm sống bằng nghề đan loại mũ truyền thống sombrero vueltiao hai màu đen trắng. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đang bị đe dọa bởi sản phẩm “nhái” giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, hàng Trung Quốc bắt chước loại mũ truyền thống của người Columbia bán với giá chỉ bằng nửa mức giá 20 USD/chiếc của mũ xịn loại rẻ nhất.

Trước tình trạng doanh số mũ truyền thống của thợ thủ công địa phương sụt giảm, Chính phủ Columbia đã ban lệnh cấm các loại mũ “nhái”. Được biết, người thợ thủ công Columbia phải mất 15 ngày để cắt, phơi, bện sợi để làm ra một chiếc mũ. Trong khi đó, hàng nhái của Trung Quốc được làm bằng nhựa và sản xuất bằng máy.

s

Bloomberg cho biết, một cuộc phản đối hàng Trung Quốc đang bùng lên ở khu vực Mỹ Latin. Các công ty ở đây, từ các hãng sản xuất ôtô ở Brazil cho tới các nhà làm giày ở Argentina, lên tiếng đòi được bảo vệ trước sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại này cho thấy mặt trái của mối quan hệ kinh tế gia tăng giữa Mỹ Latin và Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới và đang có nhu cầu lớn các loại hàng hóa cơ bản từ đồng cho tới đậu tương.

“Khu vực này đang có độ nhạy cảm cao với Trung Quốc. Một mặt, chúng tôi rất vui vẻ khi có được mức giá cao cho xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu của mình. Mặt khác, ảnh hưởng đối với tỷ giá đồng tiền và các nhà sản xuất địa phương có thể là tiêu cực”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Colombia, ông Mauricio Cardenas, phát biểu mới đây.

Cuộc tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã nâng mức xuất khẩu hàng năm của Mỹ Latin sang nước này tăng hơn 20 lần lên mức 86 tỷ USD trong năm 2011, từ mức 3,9 tỷ USD trong năm 2000. Đây là số liệu mà Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ tính toán và đưa ra.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu này đã đến cùng với những ảnh hưởng bất lợi mà nhiều ngành sản xuất của Nam Mỹ phải gánh chịu. Dòng tiền USD thu về từ xuất khẩu gia tăng mạnh khiến tỷ giá các đồng tiền trong khu vực tăng cao, khiến hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn và các nhà sản xuất địa phương khó lòng cạnh tranh nổi.

Đồng Real của Brazil, đồng Peso của Columbia, và đồng Peso của Chile là ba đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi tăng giá mạnh nhất trong thập kỷ qua, mỗi đồng tăng giá hơn 55% trên cơ sở nhu cầu cao từ bên ngoài đối với các loại quặng sắt, dầu và đồng của các quốc gia này.

Trong hai tháng qua, các đồng tiền này tiếp tục tăng giá trong bối cảnh Mỹ ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng tài khóa và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khởi sắc. Đã có thêm nhiều lời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách các quốc gia Nam Mỹ hành động để ngăn dòng vốn USD chảy vào.

Đồng nội tệ tăng giá khiến hàng hóa của các nước Mỹ Latin trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, xuất khẩu lại không phải là nguồn thu chính của các nhà sản xuất ở khu vực này.

s

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ Latin chỉ chiếm 5% trong kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Mối đe dọa lớn hơn đến từ việc hàng nhập khẩu giá rẻ chiếm mất thị phần của các nhà sản xuất trong nước, nhất là khi các quốc gia Nam Mỹ mới chỉ mở cửa cho cạnh tranh bên ngoài cách đây 2 thập niên.

Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, tính đến năm 2010, Trung Quốc chiếm 13,3% trong kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latin, từ mức 1,8% trong năm 2000. Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Liên minh Châu Âu để trở thành nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ nhì của Mỹ Latin vào năm 2015.

Phản ứng trước sự xuất hiện gia tăng của hàng giá rẻ từ Trung Quốc, nhiều nước Mỹ Latin đã dựng nên hàng rào thương mại, đánh dấu sự trở lại của những chính sách từng gây “thảm họa” hồi thập niên 1970. Các cuộc điều tra chống phá giá nhằm vào hàng Trung Quốc tại Argentina và Brazil, hai nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latin, điều hiếm xảy ra cách đây 1 thập kỷ, giờ cũng đang nở rộ.

Do tiền lương tăng, Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh về chi phí sản xuất thấp trước các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc dịch chuyển sang những ngành sản xuất có giá trị cao hơn lại đang đe dọa các nhà sản xuất máy móc và hàng hóa cơ bản của Nam Mỹ.

Cho tới nay, Brazil, quốc gia sản xuất công nghiệp lớn nhất ở Mỹ Latin, có những bước đi quyết liệt nhất nhằm chống lại hàng Trung Quốc. Vào tháng 4/2011 tại Bắc Kinh, tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc đang giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực để giành ưu thế về xuất khẩu. 5 tháng sau đó, bà Rousseff cho tăng thuế đánh vào xe hơi ngoại thêm 30 điểm phần trăm trong bối cảnh các hãng xe trong nước phàn nàn về mối đe dọa từ các đối thủ ngoại bao gồm các hãng Chery Automobile và JAC Motors của Trung Quốc.

Doanh số của cửa hàng bán buôn mũ truyền thống của bà Faride Velasquez Morales ở Tuchin đã giảm khoảng một nửa xuống còn 300 chiếc/tháng sau khi những người bán rong đường phố bắt đầu bán mũ nhập từ Trung Quốc tại các khu vực du lịch và lễ hội. Để tránh cảnh phá sản, họ phải giảm giá bán về mức chỉ nhỉnh hơn chi phí sản xuất chút ít.

“Họ có thể thắng chúng tôi về giá, nhưng họ sẽ không bao giờ biết được bí quyết của chúng tôi”, bà Morales nói.

Trung Quốc đã trở nên nhạy cảm trước những lời phàn nàn cho rằng các lợi ích thương mại chỉ nghiêng về một phía. Trong một bài phát biểu tại Chile vào tháng 6 năm ngoái, thủ tướng Ôn Gia Bảo, nói rằng, Trung Quốc đang tìm kiếm cân bằng thương mại với Mỹ Latin và đưa ra một hạn mức tín dụng 10 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã có những bước đi nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở Nam Mỹ. Một báo cáo năm 2012 của Chính phủ Trung Quốc cho rằng, các công ty của nước này đối mặt với “thiệt hại nghiêm trọng” ở Brazil vì các quy định nhập khẩu của nước này và việc Brazil không công nhận địa vị nền kinh tế thị trường của Trung Quốc. Bản báo cáo cũng cho rằng, cách đối xử của Argentina với hàng Trung Quốc đã tạo ra một “ví dụ tiêu cực” trong khu vực.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện