Thứ Tư | 31/12/2014 21:39

Năm 2014 nhiều biến động qua 10 sự kiện quốc tế nổi bật

Năm 2014 có thể coi là một năm khá nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến kinh tế và bản đồ chính trị thế giới.

Năm 2014 sắp qua đi để lại dấu ấn của một năm đầy biến động về tình hình địa chính trị cũng như kinh tế xã hội. Đó không chỉ là thảm họa hàng không Malaysia, hay đại dịch Ebola, mà còn là cuộc chiến lấy đi sinh mạng hàng nghìn người ở Ukraine, là những căng thẳng đối đầu giữa những cường quốc,...

Dưới đây là bình chọn của Gafin về 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2014.

1. Khủng hoảng Ukraine làm thay đổi cục diện kinh tế, chính trị thế giới

 

Bắt nguồn từ các phong trào phản đối chính phủ của cựu Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich thân Nga, các cuộc biểu tình hòa bình ở quảng trường Maidan đã nhanh chóng lan rộng ra và trở thành bạo loạn, đẩy Ukraine vào nội chiến dai dẳng.

Cuộc khủng hoảng càng trở nên tồi tệ hơn khi bán đảo Crimea quyết định sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3 và kéo theo làn sóng ly khai ở miền Đông Ukraine. Bất chấp thỏa thuận hòa bình giữa các bên, kể từ tháng 4 đến nay, chiến sự miền Đông Ukraine đã lấy đi sinh mạng của hơn 5.000 người và khiến hàng chục nghìn người phải tị nạn.

Nội chiến đang bào mòn “sự sống” của Ukraine khi nó khiến kinh tế nước này đình trệ, đứng trước nguy cơ phá sản và phải cầu viện cứu trợ từ phương Tây.

2.  Quan hệ Nga – Phương Tây tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh lạnh

 

Căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh lạnh. Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai miền Đông Ukraine mặc dù Matxcơva nhiều lần bác bỏ.

Ngoại giao giữa Nga và phương Tây lúc này là ngoại giao của các đòn trừng phạt nhằm vào kinh tế mà bên thiệt hại nặng nề là Nga. 

Kể từ đầu năm nay, phương Tây liên tiếp đưa ra các vòng trừng phạt nhằm vào ngành kinh tế mũi nhọn của Nga như năng lượng, ngân hàng. Sức ép trừng phạt cùng với việc giá dầu lao đốc khiến đồng rúp mất giá, kinh tế Nga bắt đầu những dấu hiệu suy thoái lần đầu tiên trong 5 năm.

Để đáp trả, Nga cũng ban hành một loạt lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ châu Âu, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm. Việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế từ châu Á khi đó của Nga cũng là một phần trong chính sách xoay trục hướng Đông.

3. Đại dịch Ebola đe dọa tính mạng toàn cầu

 

Dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi đã nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu với sức hủy diệt khủng khiếp.

Bùng phát từ tháng 3, tính đến thời điểm hiện tại, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có gần 7.000 người tử vong vì virus Ebola, trong khi có hơn 16.000 người được chẩn đoán nhiễm virus nguy hiểm này.

Để vinh danh những cống hiến của đội ngũ bác sỹ đã sẵn sàng tham gia chiến dịch cứu chữa, ngăn đại dịch, tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn người chống Ebola trở thành Nhân vật của năm 2014.

4. Thảm họa hàng không với MH370, MH17 và AirAsia

 

Năm 2014 có thể coi là một năm thảm họa đối với hàng không nói chung và với hàng không Malaysia nói riêng khi liên tiếp xảy ra 3 vụ rơi máy bay.

Mất tích từ hồi đầu tháng 3, máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đến nay vẫn là một bí ẩn không lời giải đáp. Máy bay này biến mất hoàn toàn khỏi màn hình radar cùng với 239 người khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.

Cuộc tìm kiếm đắt giá nhất trong lịch sử hàng không đã diễn ra ngay sau đó nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu vết hay manh mối nào về MH370.

Những ám ảnh về MH370 chưa kịp lắng, hàng không Malaysia tiếp tục hứng them một thảm họa với máy bay mang số hiệu MH17. Máy bay này bị trúng tên lửa khi bay qua miền Đông Ukraine khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Điều đáng nói, đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân và thủ phạm đằng sau thảm họa này.

AirAsia là nạn nhân tiếp theo khi hôm 28/12, máy bay của hãng mang số hiệu QZ8501 mất liên lạc mang theo 162 người. Chiến dịch tìm kiếm cứu trợ với sự tham gia của một loạt quốc gia bước sang ngày thứ 3 đã phát hiện những mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích cùng với nhiều thi thể trôi nổi. Giới chức Indonesia cho biết, tính đến cuối chiều nay họ đã vớt 3 thi thể.

5. Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba

 

Sau hơn nửa thập kỷ cấm vận, Mỹ bất ngờ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba – mở đường cho dỡ bỏ cấm vận về sau. Quyết định mang tính lịch sử này được đưa ra sau các cuộc hội đàm bí mật giữa lãnh đạo 2 nước với vai trò trung gian của Giáo Hoàng Francis.

Quan hệ Mỹ-Cuba đã đóng băng từ đầu những năm 1960, khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt một lệnh cấm vận thương mại với Havana. 

6. Khủng bố IS bành trướng thế lực

 

Không giống bất cứ nhóm khủng bố nào, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động công khai hơn và cũng nhanh chóng thu hút được thành phần tham gia, và chủ yếu là thanh thiếu niên ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Điều này sở dĩ là bởi IS luôn “hứa hẹn” những viễn cảnh tự do khác xa với xã hội mà những người trẻ tuổi cảm thấy bất lực do kinh tế suy thoái, thất nghiệp tràn lan, …

Các phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xử tử gần 2.000 người trong vòng 6 tháng qua do vi phạm luật của chúng ban hành. Mỹ và các đồng minh đã mở chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS với địa bàn chính ở Iraq và Syria.

Một điều đặc biệt nữa đó là kể từ khi IS bành trướng thế lực, các nước phương Tây chứng kiến nhiều hơn các vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, không giống các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn như của al-Qeada, đây chỉ là các vụ tấn công nhỏ lẻ như bắt giam con tin trong quán cà phê ở Sydney, đâm dao trên đường phố ở Pháp, ... Theo đánh giá, đây là khủng bố chủ yếu nhằm đánh vào yếu tố tâm lý.

7. Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc

 

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng được cho là mạnh mẽ hơn bất cứ người tiền nhiệm nào.

Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc không ngoại trừ một ai khi liên tiếp gần đây Trung Quốc điều tra và xét xử nhiều quan chức cấp cao hoặc đã về hưu hoặc đang tại nhiệm.

Giới chuyên gia cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc chính thức bước sang trang mới sau khi “đả 4 hồ lớn” trong đó có nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Bí thư Ủy ban chính pháp đầy quyền lực Chu Vĩnh Khang; nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu; Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn; Phó chủ tịch Chính Hiệp nguyên là Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch.

Đây có thể coi là những tín hiệu cho một cuộc cải cách lớn ở Trung Quốc

8. Biểu tình dân chủ lớn nhất lịch sử Hong Kong

 

Kéo dài hơn 2 tháng, các cuộc biểu tình dân chủ mang tên “Chiếm trung tâm” khiến kinh tế Hong Kong đình trệ thời gian dài. Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường và dựng lều trại ở các tuyến phố chính của Hong Kong để phản đối việc chính quyền Trung Quốc đại lục có ý định kiểm soát cuộc bầu cử vào năm 2017 ở đặc khu này.

Chính quyền Hong Kong chấp thuận đàm phán với người biểu tình song cũng thẳng tay dẹp biểu tình. Thêm vào đó, phong trào biểu tình thiếu sự thống nhất giữa các nhóm tham gia cũng chính là lý do khiến phong trào tan rã sau hơn 2 tháng.

9. Đảng Cộng hòa Mỹ kiểm soát Quốc hội lần đầu tiên trong 18 năm

 

Đảng Cộng hòa Mỹ đã làm nên bất ngờ lớn với chiến thắng cả ở Hạ và Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 vừa qua. Chiến thắng này đánh dấu lần đầu tiên trong 18 năm qua, Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện thay vì chỉ Hạ viện như trước đó. 

Giới chuyên gia cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong 2 năm cuối nhiệm kỳ khi Đảng cộng hòa chiếm ưu thế trong mọi quyết định chính sách. 
Về phần mình, ông Obama tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng quyền phủ quyết trong 2 năm cuối nhiệm kỳ để bảo vệ chương trình nghị sự của chính quyền.

10. Scotland tách khỏi Anh bất thành

 

Cuộc trưng cầu vốn gây tranh cãi không chỉ ở nghị viện Anh mà còn trong dư luận quốc tế cuối cùng cũng không mang lại độc lập cho Anh.

Hơn 55% người tham gia trưng cầu dân ý tháng 9 ở Scotland nói “không” với việc tách Scotland khỏi Anh sau hơn 3 thế kỷ.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý ít nhiều làm dấy lên làn sóng ly khai ở các khu vực giàu có hơn ở một quốc gia đang khó khăn về kinh tế. Điển hình là trường hợp xứ Catalan cũng đòi trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha để thoát gánh nặng kinh tế cho các khu vực khác vốn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ.

Nguồn DVO